#ls #lslawfirm #yeucaucuaduan
Hiện nay các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xuất hiện phổ biến ở các thành thị lớn, giúp cho người dân có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm nhà ở. Vậy các dự án này cần đáp ứng các yêu cầu nào theo quy định của pháp luật?
1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở là gì?
Theo khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2014, dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổng hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để xây dựng mới nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở trên một địa điểm nhất định.
2. Các trường hợp xây dựng nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở
Theo khoản 2 Điều 18 Luật Nhà ở 2014 quy định các trường hợp xây dựng nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở như sau:
- Phát triển nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, để bán của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản;
- Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khu nhà ở cũ;
- Phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư;
- Phát triển nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
3. Yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo Điều 19 Luật Nhà ở 2014 , được hướng dẫn bởi Nghị định 99/2015/NĐ-CP như sau:
- Các tổ chức, cá nhân trước khi lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc diện quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở thì phải làm thủ tục đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chỉ được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện tại khu vực đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt, tuân thủ các nội dung quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 14 Luật Nhà ở 2014.
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau.
Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
- Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải thực hiện đầy đủ các nội dung của dự án đã được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư có đề nghị điều chỉnh các nội dung bao gồm: (i) Tên dự án; (ii) Tiến độ thực hiện; (iii) Loại nhà ở phải xây dựng; (iv) Tổng diện tích sàn xây dựng; (v) Tổng số lượng nhà ở; (vi) Tỷ lệ các loại nhà ở; (vii) Tổng mức đầu tư nếu là dự án được đầu tư bằng vốn nhà nước thì phải được cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 170 Luật Nhà ở 2014 quyết định trước khi triển khai thực hiện xây dựng.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định cụ thể danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn bao gồm dự án xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định sau đây:
+ Số lượng dự án; tổng số lượng nhà ở và tổng diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng hàng năm trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn;
+ Các nội dung cơ bản của từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn bao gồm:
+ Việc công khai các thông tin về dự án quy định phải được thực hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Như vậy, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cần phải đáp ứng các yêu cầu trên theo quy định của pháp luật. Điều này đảm bảo các hoạt động kinh doanh trên thị trường bất động sản được diễn ra trong khuôn khổ pháp lý. Đồng thời, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của những chủ thể tham gia giao dịch.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.