#ls #lslawfirm #xacdinhgia
Trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động mua bán hàng hóa nói riêng, giá cả luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế lại xuất hiện rất nhiều tranh chấp liên quan đến giá cả. Để hiểu rõ hơn về cách xác định giá trong hoạt động mua bán hàng hóa, hãy cùng LS Law Firm tìm hiểu về nội dung này thông qua bài viết dưới đây!
Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá, nghĩa là số lượng tiền phải trả cho hàng hoá đó. Trên thực tế, giá là một trong những nội dung cơ bản được các bên quan tâm và ưu tiên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong đa số trường hợp, các bên sẽ thỏa thuận và ghi rõ giá của hàng hóa sẽ mua bán trong hợp đồng ngay từ đầu. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp các bên không có thỏa thuận về giá hay phương thức xác định giá. Từ thực trạng trên, Luật Thương mại 2005 (“LTM 2005”) đã quy định như sau:
“Điều 52. Xác định giá
Trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá.”
Bên cạnh những đặc điểm hỗ trợ việc xác định giá tại Điều 52 LTM 2005 đã nêu, thì giá còn được xác định dựa theo trọng lượng như sau:
“Điều 53. Xác định giá theo trọng lượng
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hoá thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh.”
Theo đó, trọng lượng tịnh là khối lượng của một vật thể nhưng không tính bao bì kèm theo. Ví dụ: A và B giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, cụ thể A đã đặt mua gạch men xây dựng từ B. Khi đó, nếu A và B không có thoả thuận về giá hay không có thoả thuận về phương pháp xác định giá thì giá số gạch xây dựng này ngoài việc được xác định theo các tiêu chí tại Điều 52 LTM 2005 thì còn có thể được tính bằng khối lượng tổng của toàn bộ đơn hàng trừ đi khối lượng bao bì, thùng đóng gói để vận chuyển bên ngoài.
Tóm lại, phương thức xác định giá trong hợp đồng mua bán hàng hóa là một trong những cách giúp quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa được diễn ra dễ dàng, hạn chế được rủi ro và tránh mất thời gian của các bên.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về Xác định giá trong hợp đồng mua bán hàng hóa dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.