#ls #lslawfirm #tuboquyentacgia
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Vậy tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có được từ bỏ những quyền trên không? Hãy cùng LS Law Firm tìm hiểu thông qua bài viết sau.
Quyền nhân thân bao gồm những quyền nào?
Theo Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 (“Luật SHTT”), Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
“1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.’’
Quyền nhân thân là quyền thuộc về tác giả và chỉ duy nhất tác giả đã sáng tạo ra tác phẩm mới có quyền nhân thân. Luật SHTT hiện hành không có quy định cụ thể về việc tác giả có được từ bỏ quyền nhân thân hay không. Tuy nhiên, dựa theo nguyên tắc ‘‘công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm’’ nên tác giả vẫn có thể từ bỏ quyền nhân thân của mình nếu không vì mục đích xâm phạm đến quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
Lưu ý: Trường hợp tác giả đã từ bỏ quyền nhân thân đối với tác phẩm của mình, nhưng một người không phải là tác giả thực hiện các quyền nhân thân mà không có sự đồng ý của tác giả, thì hành vi đó vẫn được xem là xâm phạm quyền tác giả. Do vậy, nếu muốn sử dụng các quyền nhân thân nêu trên khi tác giả đã từ bỏ quyền của mình thì cần phải có sự cho phép của tác giả.
Quyền tài sản bao gồm những quyền nào?
Theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT, Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
“a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.”
Quyền tài sản là quyền thuộc về tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, cũng giống như quyền nhân thân, Luật SHTT chưa quy định rõ về việc các chủ thể này có được từ bỏ quyền tài sản hay không. Dựa vào những phân tích phía trên về quyền nhân thân, có thể hiểu tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả được phép từ bỏ quyền tài sản của mình nếu không vì mục đích xâm phạm đến đạo đức xã hội và quy định của pháp luật. Các chủ thể khác nếu muốn sử dụng những quyền trên cần có sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu.
Tóm lại, Luật SHTT hiện hành không có quy định về việc từ bỏ quyền tác giả giống như quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, dựa trên những quy định của pháp luật liên quan thì tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả được phép từ bỏ quyền tác giả nếu không vì mục đích xâm phạm đến đạo đức xã hội và quy định của pháp luật. Những chủ thể khác muốn sử dụng những quyền này cần có sự đồng ý của tác giả và chủ sở hữu để tránh gặp những rủi ro pháp lý.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về “Từ bỏ quyền tác giả” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.