#ls #lslawfirm #truytovuanhinhsu
Truy tố là một giai đoạn của hoạt động tố tụng hình sự, tiếp nối giai đoạn khởi tố và điều tra vụ án. Truy tố dẫn đến nhiều hệ quả pháp lý quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Truy tố là giai đoạn của tố tụng hình sự mà trong đó Viện kiểm sát căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự để tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan các chứng cứ, tài liệu của vụ án hình sự do Cơ quan điều tra chuyển đến và trên cơ sở đó, Viện kiểm sát ra quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng); Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.
Thẩm quyền truy tố
Theo khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (“BLTTHS”), thẩm quyền truy tố được xác định như sau:
“Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.”
Quy định này tạo điều kiện để Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nắm chắc, sâu sát nội dung vụ án ngay từ những giai đoạn đầu tiên, đồng thời tạo nên sự đồng bộ cần thiết giữa các cấp Tòa án và Viện kiểm sát, giúp các cơ quan này có sự phối hợp chặt chẽ, đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Trường hợp chuyển vụ án khi không thuộc thẩm quyền truy tố
Nếu vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát phải chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đã kết thúc điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác.
Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi Quân Khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp Quân Khu quyết định.
Trường hợp Viện kiểm sát cấp trên quyết định truy tố
Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này.
Thời hạn quyết định việc truy tố
Kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; hoặc Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can trong thời hạn sau đây:
Đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng: 20 ngày. Trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm nhưng không quá 10 ngày.
Đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: 30 ngày.Trong trường hợp cần thiết được gia hạn thêm không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với trường hợp chuyển vụ án khi không thuộc thẩm quyền truy tố: thời hạn truy tố được tính từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ vụ án.
Nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc tống đạt văn bản
Sau khi ra Quyết định có truy tố hay không, Viện kiểm sát cần thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Nhiệm vụ này được thực hiện trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định trên. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.
- Gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định đó nếu thấy không có căn cứ hoặc trái pháp luật và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định đúng pháp luật.
Truy tố là giai đoạn quan trọng để Viện kiểm sát kiểm tra tính hợp pháp của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan điều tra có thẩm quyền đã áp dụng, giúp loại trừ những hậu quả tiêu cực từ các sai lầm đã bị bỏ lọt trong hai giai đoạn tố tụng hình sự trước đó, góp phần truy cứu trách nhiệm hình sự đúng tội, đúng người và đúng pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về vấn đề Truy tố vụ án hình sự. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý liên quan khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.