#ls #lslawfirm #tromcapdien #hinhphattromcapdien
Hiện nay tội phạm liên quan đến hành vi trộm cắp điện diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vậy người có hành vi phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào?
1. Trộm cắp điện là gì?
Theo khoản 15 Điều 3 Luật Điện lực 2004 thì trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác.
2. Trộm cắp điện là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm
Theo khoản 6 Điều 7 Luật Điện lực 2004 thì trộm cắp điện là hành vi cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
“Điều 7. Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện
6. Trộm cắp điện.”
3. Trộm cắp điện bị xử lý như thế nào?
Xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp điện
Theo khoản 8, khoản 9, khoản 10 và khoản 11 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP) thì hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt với mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi (Theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP)
Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt đối với hành vi vi phạm.
Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức để hoàn trả thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp điện
Về hành vi trộm cắp điện đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội trộm cắp tài sản như sau:
- Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
+ Tài sản là di vật, cổ vật.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
+ Hành hung để tẩu thoát;
+ Tài sản là bảo vật quốc gia;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, trộm cắp điện là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Người có hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, mỗi cá nhân cần phải nâng cao ý thức, tránh rơi vào vòng lao lý.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về trộm cắp điện và chế tài xử lý của hành vi này dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.