#ls #lslawfirm #tranhchapdatdai #coyeutonuocngoai
Tranh chấp liên quan đến bất động sản là một trong các tranh chấp phức tạp, khó giải quyết do có liên quan đến pháp luật nước ngoài. Do vậy để giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề này, pháp luật Việt Nam đã có những những quy định cụ thể ra sao? Hãy cùng LS Law Firm tìm hiểu về tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài thông tin qua bài viết dưới đây!
Yếu tố nước ngoài
Theo Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS 2015”) thì tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài là tranh chấp thuộc một trong các trường hợp sau:
- Một là, có ít nhất một bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
Ví dụ, giữa anh A (quốc tịch Việt Nam) và anh B (quốc tịch Hàn Quốc) xảy ra về tranh chấp quyền sở hữu đất đai tại Việt Nam thì đây được xem là tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài.
- Hai là, các bên tham gia đều là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đất đai xảy ra tại nước ngoài;
Trường hợp D và H đều là công dân Việt Nam, đang đi du lịch tại Thái Lan, tại đây D đã quyết định chuyển nhượng cho H một mảnh đất tại tỉnh X của Việt Nam mà D đang sở hữu hợp pháp. Do giá đất đang tăng cao nên H đã thỏa thuận với D xác lập đồng chuyển nhượng ở đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Yếu tố nước ngoài của hợp đồng chuyển nhượng này nằm ở việc tuy D và H đều là người Việt Nam nhưng việc xác lập hợp đồng xảy ra tại nước ngoài.
- Ba là, các bên tham gia đều là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ đất đai đó ở nước ngoài;
Cũng như ví dụ trên D và H đều là công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống tại Việt Nam nhưng trong trường hợp này D thực hiện chuyển nhượng cho H một mảnh đất tại bang Texas (Hoa Kỳ), biết rằng mảnh đất này thuộc sở hữu hợp pháp của D theo quy định của pháp luật, đây cũng là một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài do có đối tượng của quan hệ ở nước ngoài.
Tranh chấp bất động sản có yếu tố nước ngoài
Điều 664 BLDS 2015 quy định khi xảy ra tranh chấp đất đai ở Việt Nam xuất hiện yếu tố nước ngoài, pháp luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp sẽ được quy định như sau:
- Pháp luật áp dụng đối với tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế ("ĐƯQT") mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
- Trường hợp ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng được xác định theo lựa chọn của các bên. Như vậy các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng. Cần lưu ý trường hợp các bên lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế, thì nếu hậu quả áp dụng tập quán này trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng.
- Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng như trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Lưu ý: Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó.
Ví dụ tranh chấp đất đai giữa công dân Việt Nam và công dân Lào, hai bên đã thỏa thuận chọn pháp luật Lào để giải quyết (phù hợp với pháp luật) thì nếu có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền của Lào.
Tóm lại, để xác định một tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài hay không thì cần xét đến yếu tố nước ngoài của tranh chấp đó có thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định hay không. Tiếp đến, để giải quyết các tranh chấp này thì một trong những điều quan trọng của các chủ thể đó là xác định pháp luật áp dụng sao cho có lợi nhất cho tất cả các bên.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết.
Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.