#ls #lslawfirm #toisudungtraipheptaisan
Quyền sở hữu đối với tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tài sản được chủ sở hữu giao cho một chủ thể khác giữ. Khi đó chủ thể đang giữ tài sản không đương nhiên có quyền sử dụng tài sản được giao. Vậy, khi chủ thể được giao tài sản có hành vi sử dụng trái phép tài sản thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Tội sử dụng trái phép tài sản được quy định tại Điều 177 Chương XVI của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) (“BLHS 2015”) như sau:
"1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tài sản là bảo vật quốc gia;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo đó, sử dụng trái phép tài sản là hành vi của một người vì vụ lợi đã khai thác một cách trái phép giá trị sử dụng của tài sản của người khác. Tội phạm xâm phạm chủ yếu đến quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Tuy nhiên, để sử dụng được tài sản, người phạm tội còn phải chiếm hữu tài sản, do đó tội phạm cũng xâm phạm đến quyền chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Để nhận định một hành vi sử dụng tài sản của người khác có cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản hay không cần xem xét các yếu tố như sau:
Thứ nhất, về khách thể: Khách thể của tội sử dụng trái phép tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân (không bao gồm quyền định đoạt).
Thứ hai, về mặt khách quan:
Hành vi: Hành vi khách quan duy nhất của tội phạm này là hành vi sử dụng tài sản một cách trái phép. Để khai thác lợi ích tài sản một cách trái phép trước hết người phạm tội phải tìm cách chiếm hữu được tài sản. Việc chiếm hữu tài sản có thể được thực hiện một cách công khai hợp pháp, nhưng cũng có thể được thực hiện một cách lén lút, trái phép.
Giá trị tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc giá trị tài sản dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật và không thuộc các tội được quy định tại Điều 219 và Điều 220 BLHS 2015.
Thứ ba, về mặt chủ quan:
Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhân thức rõ hậu quả xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu, người có trách nhiệm quản lý tài sản và mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra hoặc tuy không mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc để hậu quả xảy ra. Mục đích của người phạm tội là mong muốn khai thác giá trị sử dụng của tài sản.
Động cơ: Động cơ của người phạm tội là đem lại lợi ích vật chất tinh thần cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm (vụ lợi). Động cơ vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nếu không chứng minh được người phạm tội có động cơ vì vụ lợi thì chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm này.
Thứ tư, về chủ thể: Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Như vậy, để xác định một hành vi có cấu thành Tội sử dụng trái phép tài sản cần xét đến các yếu tố cấu thành tội phạm như đã phân tích trên đây. Đồng thời, cần phân biệt hành vi sử dụng trái phép tài sản với hành vi chiếm đoạt tài sản (để hiểu rõ hơn về Tội chiếm đoạt tài sản xin hãy xem lại bài viết về Tội chiếm đoạt tài sản do Ls Law Firm thực hiện). Một hành vi được xem là sử dụng trái phép nếu chỉ nhằm khai thác giá trị sử dụng tài sản trong một thời gian nhất định chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về “Tội sử dụng trái phép tài sản” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.