#ls #lslawfirm #toisanxuathanggia
#toibuonbanhanggia #thuocchuabenh #thuocphongbenh
Thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là những sản phẩm thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người nên hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả các loại hàng hóa này nguy hiểm hơn hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thông thường.
Theo Điều 194 của BLHS 2015 quy định, “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là:
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cần lưu ý các dấu hiệu sau:
Thứ nhất về khách thể: Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc sản xuất, buôn bán hàng hoá, chống hàng giả.
Đối tượng tác động của tội phạm này là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng:
“7. “Hàng giả” gồm:
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;...”
Như vậy, xác định thuốc giả và dược liệu giả theo Luật Dược năm 2016 như sau:
Thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Không có dược chất, dược liệu;
+ Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
+ Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Khoản 32 Điều 2 Luật Dược 2016 trong quá trình bảo quản, lưu thông hoặc phân phối;
+ Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nguồn gốc xuất xứ.
Dược liệu giả là dược liệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Không đúng loài, bộ phận hoặc nguồn gốc được cơ sở kinh doanh cố ý ghi trên nhãn hoặc ghi trong tài liệu kèm theo;
+ Bị cố ý trộn lẫn hoặc thay thế bằng thành phần không phải là dược liệu ghi trên nhãn; dược liệu bị cố ý chiết xuất hoạt chất;
+ Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Thứ hai về mặt khách quan:
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm gồm 02 hành vi là sản xuất và buôn bán. Một người chỉ thực hiện hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì chỉ định tội là “sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, mà không định tội là “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Nếu cả hai hành vi cùng một đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì định tội là “sản xuất và buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Thứ ba về chủ thể của tội phạm: Ngoài chủ thể là cá nhân phạm tội, tội danh trên còn quy định riêng một khoản về pháp nhân phạm tội.
Như vậy, khi xác định hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” cần lưu ý: quy định xác định thuốc chữa bệnh, phòng bệnh như thế nào là hàng giả. Người vi phạm đã thực hiện hành vi sản xuất hay hành vi buôn bán hoặc vừa thực hiện hành vi sản xuất vừa buôn bán; chủ thể thực hiện hành vi trên là cá nhân hay tổ chức pháp nhân và mức độ gây thiệt hại thế nào để áp dụng quy định xử phạt đúng quy định pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.