#ls #lslawfirm #toichiemgiutraipheptaisan
Việc nhặt được tài sản là của rơi là trường hợp rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Về mặt đạo đức khi nhặt được tài sản là của rơi, người nhặt được nên tìm và trả lại người đánh rơi. Như vậy, về mặt pháp luật việc một người nhặt được tài sản mà không trả lại cho người đánh rơi tài sản thì người đó có bị truy cứu về tránh nhiệm hình sự hay không?
Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Chương XVI của BLHS 2015:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản:
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Xét về hành vi trong Tội chiếm giữ trái phép tài sản:
Chủ thể có hành vi cố tình không trả lại tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản. Trong đó tài sản, cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hoá mà người phạm tội chiếm hữu, có được là do bị người khác giao nhầm, do chính người phạm tội tìm được, bắt được (nhặt được) (như đi đánh cá vớt được cổ vật…)
Về giá trị tài sản:
Giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ mười triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử văn hoá thì luật không quy định giá trị để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự vì đây là những vật mang giá trị tinh thần hết sức quý giá không thể định giá cụ thể như những loại tài sản thông thường.
Lưu ý:
Thứ nhất: Để xác định là cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hoá thì phải có kết luận giám định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc trước đó đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận đó là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá.
Thứ hai: Về trường hợp giao nhầm, sự nhầm lẫn này hoàn toàn do phía người giao. Người nhận tài sản không có bất kỳ một thủ đoạn gian dối nào để khiến bên giao tài sản bị nhầm lẫn khi giao tài sản của mình. Nếu người nhận tài sản bị giao nhầm có thủ đoạn gian dối để người giao tin tưởng giao nhầm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba: Thời điểm hoàn thành tội phạm tính từ lúc sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm (như sở Văn hoá thông tin, Viện Bảo tàng…) yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật mà người chiếm hữu tài sản, cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá vẫn cố tình không trả lại.
Như vậy, từ những phân tích trên có thể xác định khi một người nhặt được tài sản là của rơi đã được chủ sở hữu hoặc người có tránh nhiệm quản lý yêu cầu trả lại tài sản nhưng không thực hiện việc trả lại tài sản nhặt được sẽ phải chịu tránh nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái pháp tài sản (Lưu ý cần xem xét giá trị tàn sản khi xác định tội danh, tài sản phải có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng thuộc tài sản là di vật cổ vật,..riêng với bảo vật quốc gia không cần xét giá trị về mặt tài chính và đồng thời việc chiếm giữ trái phép tài sản là bảo vật quốc gia thì được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của Tội chiếm giữ trái phép tài sản.)
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là một số nội dung cơ bản về Tội chiếm giữ trái phép tài sản dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.