Việc buôn bán trái pháp luật thường thể hiện dưới hình thức trao đổi hàng hóa mà không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, dấu diếm hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng nhằm mục đích thu lợi bất chính như: buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí, đá quý là hành vi buôn lậu.
Theo Điều 188 Chương XVIII của BLHS 2015 quy định về Tội buôn lậu như sau:
“1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật”.
Để xác định một hành vi phạm Tội Buôn lậu cần xét đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:
Thứ nhất về khách thể: Hành vi phạm Tội Buôn lậu xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối tượng tác động: Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý.
Hàng hoá được xác định trong Tội Buôn lậu là hàng hoá có tính năng thông thường, nếu hành vi buôn lậu có đối tượng hàng hoá là vũ khí quân dụng, ma tuý sẽ không thuộc Tội Buôn lậu mà cấu thành các Tội tương ứng ở các chương về vũ khí quân dụng, ma tuý,…
Thứ hai về mặt khách quan:
Hành vi: Có hành vi buôn bán trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài các đối tượng sau đây: Hàng hoá; Tiền đồng Việt Nam, ngoại tệ (như USD, Yên…); Kim khí quý, đá quý (vàng, bạc, kim cương…); Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá.
Thời điểm hoàn thành Tội Buôn lậu được tính từ thời điểm đưa hàng, tiền qua biên giới một cách trái phép vào Việt Nam.
Về giá trị tài sản: Đối với hàng hoá, tiền tệ Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý phải có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Trường hợp dưới 100.000.000 đồng thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu hoặc vật phạm pháp là di vật, cổ vật,…
Thứ ba về mặt chủ quan: Lỗi được xác định là lỗi cố ý trực tiếp, người thực hiện hành vi phạm tội ý thức được hành vi của mình là xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu nhưng vẫn thực hiện.
Thứ tư về chủ thể: Người phạm tội đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm hình sự.
Như vậy, tội Buôn lậu đã bao gồm hành vi trốn thuế thì làm sao để phân biệt Tội Trốn thuế Điều 200 và Tội Buôn lậu Điều 188 BLHS 2015?
Cần dựa vào điều kiện khách thể sau đây để phân biệt 02 tội danh trên:
+ Đối với Tội Buôn lậu: khách thể là xâm phạm hoạt động quản lý kinh tế của nhà nước với hàng hoá xuất, nhập khẩu. Nghĩa là với hành vi buôn lậu, nhà nước không thu được thuế, không nắm được số lượng hàng hoá đưa vào lãnh thổ Việt Nam.
+ Đối với Tội Trốn thuế: nhà nước vẫn nắm được số lượng hàng hoá vào lãnh thổ Việt Nam nhưng chủ thể phạm tội dùng các thủ đoạn khác nhau để khai gian về thành phần, tính chất vật lý để khai số thuế thấp hơn số thuế thực tế phải đóng làm thất thu ngân sách nhà nước.
Như vậy, để xác định Tội Buôn lậu thì chúng ta cần xét đến các yếu tố cấu thành tội phạm về khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và đặt biệt cần lưu ý đến hành vi, khách thể bị xâm phạm để phân biệt rõ với Tội Trốn thuế tại Điều 200 BLHS 2015.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là một số nội dung cơ bản về “Tội Buôn lậu” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.