#ls #lslawfirm #toaantuchoi #thoathuantrongtai
Tòa án nhân dân và Trọng tài là hai hệ thống quan trọng trong lĩnh vực tài phán ở Việt Nam. Cả hai đều có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề tranh chấp xảy ra trong các lĩnh vực cụ thể. Quyết định của Trọng tài có giá trị pháp lý tương đương với quyết định của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, trong trường hợp một vụ tranh chấp mà mỗi bên đều muốn giải quyết bằng phương thức khác nhau là Tòa án và Trọng tài thì cơ quan xét xử nào sẽ có thẩm quyền xem xét vụ tranh chấp đó?
1. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài
Tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (“Luật TTTM”) quy định về trường hợp Toà án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài như sau: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Sở dĩ, căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật TTTM quy định điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, trong giao dịch thương mại được thể hiện dưới dạng hợp đồng thì các bên được tự do thỏa thuận nhưng không trái với pháp luật và đạo đức xã hội được Bộ luật Dân sự điều chỉnh. Do đó, các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối.
Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được quy định tại Điều 6 Luật TTTM được hướng dẫn áp dụng tại Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp; hoặc
- Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế; hoặc
- Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế; hoặc
- Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế; hoặc
- Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
2. Trường hợp các bên vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn trường hợp các bên vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì giải quyết như sau:
(1) Người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc trước khi Tòa thụ lý vụ án:
+ Trọng tài là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu các bên không có thỏa thuận lại hay thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
+ Trong trường hợp Tòa án đã nhận được đơn khởi kiện thì phải trả lại đơn; nếu đã thụ lý vụ án thì phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án (điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS);
(2) Người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp trước: Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa (trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện):
+ Nếu xác định là đã có yêu cầu: Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện;
+ Nếu xác định là chưa có yêu cầu: Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
(3) Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án (điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS).
Do đó, trong trường hợp thỏa thuận trọng tài giữa các chủ thể không bị vô hiệu hoặc không thuộc các trường hợp không thực hiện được như trên thì Tòa án phải từ chối thụ lý giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày về việc toà án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.