#ls #lslawfirm #thutuc #xemxetbanantuhinh #truockhithihanh
Tử hình là khung hình phạt cao nhất trong chế tài xét xử tội phạm hình sự, liên quan trực tiếp đến tính mạng, quyền được sống của con người được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Do đó, bản án tử hình cần phải được cân nhắc, xem xét một cách cẩn trọng. Mời bạn đọc cùng LS Law Firm tìm hiểu về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành trong bài viết dưới đây.
Khái niệm tử hình
Tử hình không còn là một chế tài hình sự xa lạ. Lịch sử phát triển pháp luật hình sự trên thế giới cho thấy, tử hình là một trong những hình phạt xuất hiện từ rất sớm. Hình phạt này xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, từ các nền văn hóa xa xưa cho đến hiện tại. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam ngày nay, Tử hình được quy định tại Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.
Như vậy, tử hình là một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó không nhằm cải tạo, giáo dục người bị kết án mà có mục đích phòng ngừa tội phạm một cách triệt để.
Thủ tục xem xét lại bản án tử hình trước khi thi hành
Bản án tử hình đã được thi hành sẽ không thể sửa chữa, khắc phục sai lầm. Do đó, thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành cần được thực hiện cẩn trọng. Thủ tục này được ghi nhận tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 với 02 phương thức:
Kháng nghị Bản án tử hình
Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật:
Hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
Bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm:
Tòa án nhân dân tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Việc quy định thời hạn như vậy nhằm đề cao trách nhiệm của những người có thẩm quyền kháng nghị, để các bản án tử hình không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được sớm đưa ra thi hành, đồng thời cũng bảo đảm quyền được sống của những người bị kết án tử hình.
Gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Thẩm quyền này của Chủ tịch nước thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mở thêm một cánh cửa giúp cho tội phạm lãnh án tử hình có cơ hội được cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội.
Thi hành bản án tử hình
Bản án tử hình sẽ được thi hành nếu thuộc các trường hợp sau:
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Nếu bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình;
Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình nhưng bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm thì bản án tử hình sẽ được thi hành sau đó.
Nếu người bị kết án thuộc một trong các trường hợp như phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.
Hiện nay, việc thi hành bản án tử hình đã sử dụng các biện pháp khoa học để giúp người phạm tội có một cái chết nhẹ nhàng hơn. Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội được sửa chữa sai lầm. Với xu thế chung của xã hội văn minh, tiến bộ, các quốc gia trên thế giới dần hướng đến loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi luật hình sự. Tuy nhiên, Việt Nam trong thời điểm hiện tại muốn đạt được điều này cần phải có sự nghiên cứu, cân nhắc ở tầm vĩ mô và phải phù hợp với điều kiện xã hội thực tế.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về “Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành”. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.