#ls #lslawfirm #taitham #vuanhanhchinh
Ở nội dung trước chúng ta đã tìm hiểu thủ tục giám đốc thẩm vụ án hành chính. Tiếp theo đây, LS Law Firm xin mời quý độc giả cùng tham khảo một số quy định của pháp luật về thủ tục tái thẩm vụ án hành chính như sau:
Cùng với thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục tái thẩm được pháp luật quy định nhằm bảo đảm tính đúng đắn của hoạt động xét xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Tính chất của tái thẩm
Căn cứ theo Điều 280 Luật Tố tụng hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (“Luật TTHC”) quy định:
“Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.”
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Thứ nhất, mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà Tòa án, đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án (Khoản 1 Điều 281 Luật TTHC).
Tình tiết quan trọng của vụ án mới được phát hiện là những tình tiết đã tồn tại từ trước. Tuy nhiên, vì lý do khách quan mà Tòa án, đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu trước đó Tòa án và đương sự đã biết nhưng không xem xét, đánh giá, đề cập đến thì không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Đây là căn cứ quan trọng và chủ yếu để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Thứ hai, có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ (Khoản 2 Điều 281 Luật TTHC)
Kết luận của người giám định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng giúp Tòa án xác định sự thật khách quan của vụ án. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính là tiếng Việt. Do đó, trong trường hợp đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác không thể dùng tiếng Việt hoặc không thể dùng lời nói thì phải cần người phiên dịch. Người phiên dịch có nghĩa vụ phiên dịch khách quan, trung thực và đúng nghĩa.
Vì thế, nếu kết luận của người giám định và lời dịch của người phiên dịch là không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ thì có thể làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và kết quả xét xử.
Thứ ba, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật (Khoản 3 Điều 281 Luật TTHC)
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên là những người tham gia tố tụng có vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Để có thể kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, đòi hỏi các chủ thể kháng nghị phải chứng minh việc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, kết luận trái pháp luật, nếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, vô ý thì cũng không thể kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Thứ tư, bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ. (Khoản 4 Điều 281 Luật TTHC)
Khi Tòa án căn cứ vào các bản án, quyết định này để giải quyết vụ án nhưng bản án, quyết định lại bị hủy bỏ sẽ dẫn đến bản án, quyết định của Tòa án không chính xác. Do đó, đây là một trong những căn cứ để chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Khoản 1, Khoản 2 Điều 283 Luật TTHC quy định về người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cũng là chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. Theo đó, khi xét thấy cần thiết, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác.
Ngoài ra, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Điều 284 Luật TTHC quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như sau:
“Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 281 của Luật này.”
Khác với thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm lấy mốc ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị. Có thể là ngày mà chủ thể có thẩm quyền tự phát hiện ra hoặc ngày nhận được đề nghị, thông báo, kiến nghị từ các đương sự, cơ quan, tổ chức khác,… Pháp luật quy định thời hạn này bảo đảm cho việc phát hiện, xử lý, khắc phục hậu quả một cách kịp thời, nhanh chóng.
Theo Điều 285 Luật TTHC, Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm
“1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Luật này quy định.”
3. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án.”
Khi kháng nghị không có căn cứ thì Hội đồng tái thẩm sẽ giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nếu việc kháng nghị là có căn cứ, xuất hiện những tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án giải quyết vụ án. Hội đồng tái thẩm phải hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại từ đầu.
Do đó, các chủ thể tham gia trong vụ án hành chính cần hiểu rõ quy định trên để thực hiện đúng quy định pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về “Thủ tục tái thẩm vụ án hành chính” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.