#ls #lslawfirm #thoihieukhoikien #giaiquyettranhchap #thuake #taitoaan
Thừa kế, phân chia di sản thừa kế là một trong những nội dung dễ phát sinh tranh chấp. Việc khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự là một phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp. Bài viết này sẽ làm rõ về thời hiệu khởi kiện và phương thức giải quyết tranh chấp thừa kế bằng con đường Tòa án.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp phân chia di sản thừa kế
Theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Tuy nhiên, đây là thời hiệu áp dụng đối với những quan hệ thừa kế phát sinh kể từ ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành. Vậy những quan hệ thừa kế xảy ra trước thời điểm này thì thời hiệu sẽ được tính như thế nào? Câu trả lời được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015, theo đó thời hiệu đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành cũng áp dụng thời hiệu như trên.
Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc thu thập, xác minh các tài liệu chứng cứ, đương sự cần lưu ý đến các quy định về thời hiệu. Ngay khi áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác không có kết quả, đương sự cần cân nhắc con đường khởi kiện để đảm bảo các tài liệu, chứng cứ được thu thập một cách đầy đủ, toàn diện nhất.
Khởi kiện phân chia di sản theo tố tụng dân sự
Khi phát sinh tranh chấp, có rất nhiều phương thức mà các bên có thể áp dụng để giải quyết mâu thuẫn để dung hòa lợi ích giữa các bên như: thương lượng, hòa giải là các phương thức giải quyết đầu tiên và được pháp luật khuyến khích các bên áp dụng khi xảy ra tranh chấp. Trong thừa kế, các đồng thừa kế có thể họp mặt các thành viên hoặc nhờ một người có địa vị trong dòng tộc đứng ra hòa giải để tìm ra phương án có thể dung hòa lợi ích của các bên. Tuy nhiên, khi các bên không tìm được tiếng nói chung thì việc khởi kiện ra Tòa án là sự lựa chọn bắt buộc.
Phân chia di sản theo thủ tục tư pháp là việc một hay nhiều người có quyền thừa kế yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc phân chia di sản thừa kế theo thủ tục tố tụng dân sự. Theo khoản 1 Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì: “Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Do vậy, người khởi kiện bên cạnh việc trình bày cụ thể yêu cầu của mình trong việc chia thừa kế còn phải chủ động thu thập, giao nộp các giấy tờ chứng minh về quan hệ thân thích với người đã mất, chứng cứ chứng minh cái chết của người để lại di sản, các chứng cứ chứng minh cho việc người để lại di sản có ý chí để lại cho họ...
Quyết định cuối cùng có hiệu lực của Tòa án, sẽ là căn cứ chấm dứt tranh chấp để các đồng thừa kế có thể tiến hành phân chia di sản thừa kế bằng hệ thống thi hành án và người khởi kiện sẽ không phải lo lắng việc người phải thi hành án không chịu thi hành.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung về khái quát về thời hiệu khởi kiện và giải quyết tranh chấp thừa kế bằng Tòa án dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.