#ls #lslawfirm #ngonngu #trongtai
Thỏa thuận trọng tài đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tố tụng trọng tài, vì không có thỏa thuận trọng tài sẽ không có tố tụng trọng tài. Trong đó, thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp, giúp tố tụng trọng tài được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.
Quy định pháp luật về thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp
Căn cứ theo Điều 10 Luật Trọng tài thương mại quy định về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài như sau:
“1. Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.
2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.”
Theo như quy định nêu trên, các bên tranh chấp có quyền tự do lựa chọn ngôn ngữ trọng tài. Tuy nhiên, đối với tranh chấp nội địa (không có yếu tố nước ngoài) thì Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định ngôn ngữ trọng tài bắt buộc phải là tiếng Việt, trừ khi tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc một trong các bên tranh chấp là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thời điểm xác lập thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 thì tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại là “tranh chấp có thể phát sinh” hoặc “đã phát sinh”. Như vậy, thời điểm hai bên thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể là trước khi tranh chấp giữa hai bên xảy ra hoặc vào thời điểm sau khi có tranh chấp đã xảy ra.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Có nhiều trường hợp các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhưng không có thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp. Đối với trường hợp này thì Luật Trọng tài thương mại quy định ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định. Tuy nhiên với quy định này, Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hướng này có tính dự báo không cao. Bởi lẽ, việc trao cho Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài khi các bên tranh chấp không có thỏa thuận về vấn đề này tạo ra một hệ quả:
1. Hội đồng trọng tài được quyền sử dụng trực tiếp tài liệu bằng ngôn ngữ khác.
2. Khi Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì không nhất thiết phải dịch các tài liệu bằng ngôn ngữ khác sang ngôn ngữ đã được lựa chọn cho tố tụng trọng tài. Đây là điểm khác biệt rất lớn của tố tụng trọng tài so với tố tụng dân sự tại Tòa án.
Như vậy, khi thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên cần lưu ý thoả thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp. Khi các bên chủ động thỏa thuận ngôn ngữ áp dụng khi giải quyết tranh chấp sẽ giúp cho quá trình tố tụng trọng tài được diễn ra nhanh chóng và giảm thiểu chi phí tố tụng cho các bên. Ngược lại, nếu các bên không có thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp thì có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một hoặc các bên nếu một bên không thể tự hiểu các tài liệu bằng thứ tiếng khác ngôn ngữ trọng tài.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.