#ls #lslawfirm #datcocgiucho
“Thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ” là một khái niệm khá phổ biến và quen thuộc đối với những nhà đầu tư, bên môi giới và những khách hàng đang có nhu cầu mua bất động sản. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng hiểu rõ bản chất của cụm từ này và có nhiều khách hàng còn nhầm tưởng “thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ” chính là “hợp đồng đặt cọc”.
1. Pháp luật điều chỉnh
Đặt cọc được quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS”); cụ thể, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Hiện tại BLDS không quy định về thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ và cũng không có quy định rõ ràng nào của pháp luật về loại thỏa thuận này. Tuy nhiên, có thể hiểu, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ là văn bản thỏa thuận giữa chủ đầu tư với cá nhân/tổ chức về việc đặt cọc giữ chỗ, trong đó bên mua chuyển cho bên bán một khoản tiền giữ chỗ theo thỏa thuận, bên bán cam kết ưu tiên bán cho bên đặt cọc giữ chỗ nhà/căn hộ theo thỏa thuận của các bên.
2. Tính hợp pháp
Việc các bên xác lập hợp đồng đặt cọc đúng quy định pháp luật sẽ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Đối với thỏa thuận đặt cọc do các công ty bất động sản tự ý tạo ra nhằm lách luật nên không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; do đó, nếu các bên xác lập thỏa thuận đặt cọc trong trường hợp này là vi phạm pháp luật.
3. Hậu quả pháp lý
Theo khoản 2 Điều 328 BLDS, trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, trường hợp các bên đã xác lập hợp đồng đặt cọc thì buộc phải thực hiện, bên vi phạm sẽ bị phạt vi phạm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản không có quy định thu tiền trả trước của người mua nhà ở hình thành trong tương lai bằng hình thức thỏa thuận đặt cọc; tuy nhiên, thực tế nhiều công ty Bất động sản chưa đủ điều kiện huy động vốn đã lách luật bằng việc xác lập thỏa thuận đặt cọc để thu tiền của khách hàng. Việc làm này của các công ty Bất động sản là vi phạm pháp luật; do đó, khách hàng được quyền đòi công ty Bất động sản trả lại khoản tiền đã nộp theo thỏa thuận đặt cọc. Nếu công ty Bất động sản không chịu trả lại số tiền đã thu theo thỏa thuận đặt cọc của khách hàng thì khách hàng có quyền kiện công ty Bất động sản ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu đòi lại khoản tiền này.
Như vậy, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ mua bất động sản không phải là giao dịch đặt cọc theo quy định của BLDS. Đây chỉ là “thuật ngữ” mà các chủ đầu tư và môi giới bất động sản dùng để “lách luật” nhằm huy động vốn cho các dự án xây dựng. Chính vì vậy, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ mua bất động sản tìm ẩn rủi ro và bất lợi cho người mua bất động sản.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về việc thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ có phải là giao dịch đặt cọc theo quy định của Bộ luật Dân sự dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.