#ls #lslawfirm #thihanh #bienphapkhancaptamthoi #hoidongtrongtai
Trong tố tụng dân sự, Tòa án là cơ quan duy nhất được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đối với tố tụng trọng tài, cả Tòa án và Hội đồng trọng tài đều có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi tố tụng trọng tài diễn ra. Do đó, có thể có trường hợp đương sự yêu cầu cả hai cơ quan áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Để tránh việc cả Tòa án và Hội đồng trọng tài đều ra quyết định áp dụng cùng một biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án và Hội đồng trọng tài đều phải có sự kiểm tra xem xét kỹ đơn yêu cầu của đương sự trước khi ra quyết định thi hành áp dụng.
Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010 đối với các bên tranh chấp, bao gồm:
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
- Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
- Kê biên tài sản đang tranh chấp;
- Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
- Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều này mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối.
Trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài có quyền buộc bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính.
Lưu ý: Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự trong trường hợp Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu mà gây thiệt hại cho bên yêu cầu, bên bị áp dụng hoặc người thứ ba.
Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
Theo quy định tại Điều 50 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài cụ thể như sau:
- Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài.
- Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn;
+ Tên, địa chỉ của bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
+ Tên, địa chỉ của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
+ Tóm tắt nội dung tranh chấp;
+ Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
+ Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên yêu cầu phải cung cấp cho Hội đồng trọng tài chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Theo quyết định của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi bên yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm được nêu ở trên thì Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, Hội đồng trọng tài thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết.
Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
Thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật Thi hành án dân sự
Căn cứ vào Điều 130 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi năm 2014 (“Luật Thi hành án dân sự”) quy định về Thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế sau đây:
- Biện pháp cưỡng chế quy định tại các điều 118, 119, 120 và 121 của Luật Thi hành án dân sự để bảo đảm thi hành quyết định về cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động;
- Biện pháp cưỡng chế quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự để bảo đảm thi hành quyết định về buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
- Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự để đảm bảo thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định về kê biên tài sản đang tranh chấp;
- Biện pháp bảo đảm quy định tại các điều 66, 67, 68 và 69 của Luật Thi hành án dân sự để bảo đảm thi hành quyết định về cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài sản của người có nghĩa vụ;
- Biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 3 Điều 71 và các điều 98, 99, 100 và 101 của Luật Thi hành án dân sự để bảo đảm thi hành quyết định về cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hoá khác.
Trường hợp người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở địa phương khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định uỷ thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Theo đó, những biện pháp được áp dụng để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thi hành án dân sự gồm có:
- Buộc thực hiện công việc nhất định;
- Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được thực hiện công việc nhất định;
- Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định Tòa án;
- Cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc.
Như vậy, việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của hội đồng trọng tài dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.