#ls #lslawfirm #thaydoi #nguoitienhanhtotung #totungdansu
Trong quá trình tiến hành Tố tụng, không phải bất kì vụ việc nào cũng được thực hiện theo một trình tự nhất định. Trong một số trường hợp, pháp luật yêu cầu phải thay đổi người tiến hành Tố tụng nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan, công bằng khi những người tiến hành Tố tụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Vì vậy, để biết được trường hợp nào pháp luật quy định cần phải thay đổi người tiến hành Tố tụng, LS Law Firm xin nêu một số nội dung sau đây!
Pháp luật quy định mỗi người tiến hành Tố tụng sẽ có nhiệm vụ và quyền hạn riêng, nên căn cứ thay đổi người tiến hành Tố tụng cũng có sự khác biệt. Cụ thể, tại Điều 52 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (“BLTTDS”) quy định các căn cứ để người tiến hành Tố tụng phải từ chối tiến hành Tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
“ 1. Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
2. Họ đã tham gia Tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
3. Có căn cứ cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”
Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân
Bên cạnh những quy định chung, pháp luật cũng có quy định riêng về việc thay đổi từng chủ thể tham gia khi tiến hành Tố tụng. Trong đó, theo quy định tại Điều 53 BLTTDS thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành Tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
“ 1. Thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 52 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
2. Họ là những người cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này thì chỉ có một người được tiến hành Tố tụng.
3. Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
4. Họ đã là người tiến hành Tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.”
Thay đổi Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên
Pháp luật quy định Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên phải từ chối tiến hành Tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau:
“ 1. Thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 52 của BLTTDS.
2. Họ đã là người tiến hành Tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
3. Là người thân thích với một trong số những người tiến hành Tố tụng khác trong vụ việc đó.”
Do đó, trong hoạt động Tố tụng dân sự, việc thay đổi người tiến hành Tố tụng phải được lập bằng văn bản để đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Vì vậy, trước khi mở phiên toà, nếu đương sự từ chối hoặc có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng thì người từ chối tiến hành tố tụng hoặc người có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng phải làm văn bản. Trong đó, cần nêu rõ lý do và căn cứ từ chối hoặc yêu cầu thay đổi. Tại phiên toà, việc từ chối hoặc yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, phải được ghi vào biên bản phiên toà.
Tóm lại, Pháp luật Tố tụng Dân sự quy định rõ những căn cứ để thay đổi người tiến hành Tố tụng trong một số trường hợp trên nhằm đảm bảo vụ việc dân sự được tiến hành một cách khách quan, chính xác và củng cố lòng tin của nhân dân vào sự minh bạch, công bằng của cơ quan thực thi pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Thay đổi người tiến hành Tố tụng Dân sự, dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Qúy khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.