#ls #lslawfirm #thamquyengiaiquyet #trongtai
Một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp phát sinh ngoài khuôn khổ tòa án phổ biến nhất hiện nay là trọng tài thương mại. Vậy pháp luật có quy định như thế nào liên quan đến thẩm quyền giải quyết của cơ quan này?
1. Tranh chấp thương mại phát sinh thuộc loại tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010:
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại được quy định trong các trường hợp sau:
– Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Đối với trường hợp này thì các bên khi có tranh chấp xảy ra thì các bên đó đều phải có hoạt động thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 với tiêu chí hoạt động thương mại vì mục đích sinh lời. Theo đó, chủ thể của hoạt động thương mại bao gồm cả thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài. Hoạt động thương mại không chỉ được xác định là hoạt động của thương nhân mà còn bao gồm cả hoạt động của các cá nhân được pháp luật cho phép mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và các hoạt động thương mại khác nhằm mục đích sinh lời nhưng không phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
– Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Trong trường hợp này, khi tranh chấp xảy ra thì chỉ cần một bên tranh chấp có hoạt động thương mại, bên còn lại tham gia với mục đích phi lợi nhuận, có nghĩa bên còn lại không phải là thương nhân cũng không phải là cá nhân thực hiện hoạt động thương mại. Theo quy định này thì dù tranh chấp xảy ra không phát sinh từ hoạt động thương mại của tất cả các bên tranh chấp nhưng trong quan hệ tranh chấp thì có một bên hoạt động thương mại và hành vi trong giao dịch của chủ thể này là hành vi thương mại hoặc tranh chấp đó có liên quan đến hoạt động thương mại thì được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại;
– Tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết tại trọng tài. Trong trường hợp này thì chỉ cần pháp luật chuyên ngành quy định cho phép các bên tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại.
Như vậy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại hơn so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Theo đó, sự mở rộng quy định về thẩm quyền này tạo nên sự thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Từ đó tạo nên sự đồng bộ, dễ áp dụng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.
2. Trọng tài thương mại được áp dụng giải quyết khi các bên có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thi hành:
Thẩm quyền của trọng tài thương mại trong trường hợp này phụ thuộc vào ý chí, sự thoả thuận của các bên khi xảy ra tranh chấp. Theo đó, thoả thuận trọng tài được xác định là việc các bên thoả thuận với nhau về việc giải bằng Trọng tài thương mại khi có tranh chấp xảy ra. Việc thoả thuận giữa các bên phải được xác lập dưới hình thức văn bản thông qua các điều khoản trong hợp đồng hoặc bằng hình thức thoả thuận riêng khác. Như vậy, thoả thuận trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành khi:
– Hiệu lực của thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hiệu lực của hợp đồng. Theo đó, nếu hợp đồng chính thoả thuận các điều khoản về thương mại của các bên vô hiệu thì vẫn không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của thoả thuận trọng tài, không ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng bằng trọng tài thương mại;
– Hiệu lực của thoả thuận trọng tài thương mại đối với những chủ thể có liên quan. Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài vẫn giữ nguyên dù hợp đồng giao kết giữa các bên vô hiệu. Theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì khi các bên tranh chấp có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại nhưng nếu một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lí, trừ thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được;
Hiệu lực của thoả thuận trọng tài khi có sự thay đổi của một bên. Theo đó, sau khi thoả thuận trọng tài của các bên được xác lập thì vẫn có thể có sự thay đổi của một bên. Khi có sự thay đổi của một bên thì quy định về thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể như sau:
- Một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực thi hành đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của cá nhân thoả thuận bị mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
- Một bên tham gia thoả thuận trọng tài thương mại là tổ chức phải chấm dứt hoạt động thương mại, bị phá sản, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi hình thức tổ chức,… thì thoả thuận trọng tài thương mại vẫn có hiệu lực thi hành với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đã thoả thuận trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Như vậy, việc giải quyết các tranh chấp bằng Trọng tài tùy thuộc vào từng loại tranh chấp cụ thể. Các bên cần nắm được những vấn đề pháp lý cơ bản này để thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết bằng hình thức nào thì có thể đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của các bên.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.