#ls #lslawfirm #phienhop #trongtai
Việc tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp không nên bị đánh giá thấp trong các vụ tranh chấp thương mại, đặc biệt là trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, vì ngoài việc hỗ trợ cho quá trình giải quyết tranh chấp, nó đòi hỏi chi phí đáng kể.
1. Chuẩn bị phiên họp giải quyết tranh chấp
Trước khi mở phiên họp giải quyết tranh chấp, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng trọng tài quyết định thời gian và nơi tiến hành phiên họp theo khoản 1 Điều 54 Luật Trọng tài thương mại 2010. Phiên họp có thể được tổ chức tại bất kỳ địa điểm nào thuận lợi cho các bên liên quan để tiết kiệm thời gian và chi phí, trừ khi có quy định khác của pháp luật quốc gia tại địa điểm trọng tài, không bắt buộc phải tiến hành tại địa điểm trọng tài. Phiên họp thường được tổ chức vào một ngày được quy định trước bởi Hội đồng trọng tài. Nguyên tắc này có thể theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên hoặc theo ý kiến riêng của Hội đồng trọng tài. Giấy triệu tập tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp được Trung tâm gửi cho các bên chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở phiên họp, trừ khi các bên có thỏa thuận khác theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Trọng tài thương mại 2010. Tuy nhiên, tùy Trung tâm trọng tài mà thời hạn này có thể được rút gọn.
2. Mở phiên họp giải quyết tranh chấp, thành phần tham gia phiên họp
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì được coi là đã rút Đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp khi Bị đơn có yêu cầu hoặc có Đơn kiện lại.
- Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp nhưng vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp. Trường hợp Bị đơn có Đơn kiện lại thì việc vắng mặt của Bị đơn được quy định giống trường hợp vắng mặt của Nguyên đơn. Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên. Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp kể cả khi có một bên yêu cầu được vắng mặt.
- Thành phần tham gia khác: Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 2 Điều 55 Luật Trọng tài thương mại 2010). Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp (khoản 3 Điều 55 Luật trọng tài thương mại).
3. Thủ tục mở phiên họp giải quyết tranh chấp
Trình tự, thủ tục mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp được tiến hành theo quy định của từng Trung tâm trọng tài. Mỗi một Hội đồng trọng tài có thể có những cách quyết định khác nhau về cách triển khai các thủ tục trình tự của một phiên họp giải quyết tranh chấp nhưng khoản 4 Điều 4 và khoản 1 Điều 55 Luật Trọng tài thương mại 2010 khẳng định “… giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Do đó, phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành khép kín cho các bên tranh chấp, không công khai trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Từ những dân chứng trên cho thấy phiên họp giải quyết tranh chấp trọng tài là một bước rất quan trọng để các bên trình bày ý kiến trước Hội đồng trọng tài, đồng thời cũng là phiên để Hội đồng trọng tài đưa ra những đánh giá đối với tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp liên quan đến vụ việc tranh chấp, từ đó đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc được khách quan, đúng quy định pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày về tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp theo phương thức trọng tài thương mại dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.