#ls #lawfirm #thamdinhthietkexaydung #thietkecoso
Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở là một phần quan trọng trong quy trình pháp lý của các dự án xây dựng. Việc thẩm định này không chỉ nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án mà còn ngăn ngừa các rủi ro pháp lý liên quan đến vi phạm quy định về xây dựng, chất lượng công trình, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Vậy việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được quy định như thế nào?
1. Thiết kế cơ sở
Khoản 41 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi năm 2020 (“Luật Xây dựng”) quy định thiết kế cơ sở là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo
2. Nội dung của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
Cụ thể tại Điều 80 Luật Xây dựng, nội dung chủ yếu của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm:
- Phương án kiến trúc.
- Phương án công nghệ (nếu có).
- Công năng sử dụng.
- Thời hạn sử dụng và quy trình vận hành, bảo trì công trình.
- Phương án kết cấu, loại vật liệu chủ yếu.
- Chỉ dẫn kỹ thuật.
- Phương án phòng, chống cháy, nổ.
- Phương án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
- Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Dự toán xây dựng phù hợp với bước thiết kế xây dựng.
3. Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
3.1. Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư
Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư được quy định tại Điều 83 Luật Xây dựng, cụ thể như sau:
1. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, chủ đầu tư thẩm định các nội dung sau:
- Sự đáp ứng yêu cầu của thiết kế xây dựng với nhiệm vụ thiết kế, quy định tại hợp đồng thiết kế và quy định của pháp luật có liên quan;
- Sự phù hợp của thiết kế xây dựng với yêu cầu về dây chuyền và thiết bị công nghệ (nếu có);
- Việc lập dự toán xây dựng công trình; sự phù hợp của giá trị dự toán xây dựng công trình với giá trị tổng mức đầu tư xây dựng; xác định giá trị dự toán xây dựng công trình.
2. Đối với công trình xây dựng thuộc dự án PPP, nội dung thẩm định thiết kế xây dựng được thực hiện theo quy định tạI khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại hợp đồng dự án PPP.
3. Đối với công trình xây dựng quy định tại khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 83a Luật Xây dựng, chủ đầu tư căn cứ nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 2 Điều 83a Luật Xây dựng để tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng.
4. Đối với công trình xây dựng không thuộc quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, chủ đầu tư quyết định nội dung thẩm định bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, hợp đồng thiết kế và quy định của pháp luật có liên quan.
3.2. Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bước thiết kế xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Xây dựng đối với các công trình xây dựng sau:
+ Công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công;
+ Công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công thuộc dự án có quy mô nhóm B trở lên hoặc công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng;
+ Công trình xây dựng thuộc dự án PPP;
+ Công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
- Đối với công trình xây dựng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 83a Luật Xây dựng và công trình xây dựng thuộc dự án PPP thành phần sử dụng vốn đầu tư công, nội dung thẩm định thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng gồm:
+ Sự tuân thủ quy định của pháp luật về lập, thẩm tra thiết kế xây dựng; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế;
+ Sự phù hợp của thiết kế xây dựng với thiết kế cơ sở đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định;
+ Kiểm tra kết quả thẩm tra của tổ chức tư vấn về đáp ứng yêu cầu an toàn công trình, sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về áp dụng tiêu chuẩn trong thiết kế đối với trường hợp yêu cầu phải thẩm tra thiết kế theo quy định tại khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng;
+ Sự tuân thủ quy định của pháp luật về việc xác định dự toán xây dựng;
+ Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
+ Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Đối với công trình xây dựng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 83a Luật Xây dựng và công trình xây dựng thuộc dự án PPP không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 83a Luật Xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 2 Điều 83a Luật Xây dựng.
Như vậy, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đóng vai trò như một hàng rào pháp lý quan trọng, đảm bảo các công trình xây dựng được thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và tuân thủ quy định pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.