#ls #lslawfirm #soluongnhao #duocphepsohuutaiVietNam
Trước khi Luật nhà ở năm 2014 có hiệu lực, pháp luật Việt Nam có thí điểm cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và quy định mỗi cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu 01 (một) nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Luật nhà ở năm 2014 ra đời đã không còn giới hạn số lượng một người nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở. Nhưng Luật nhà ở năm 2014 đã giới hạn số lượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại một Toà nhà chung cư và một Dự án phát triển nhà ở thương mại.
Theo đó:
Đối với nhà chung cư: Tổ chức, cá nhân người nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ trong một Toà nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các Tòa nhà chung cư trên địa bàn có số dân tương đương với một đơn vị hành chính cấp phường.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể là đối với một Tòa nhà chung cư (kể cả nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó. Trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều block hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi block, mỗi khối nhà.
Đối với nhà ở riêng lẻ trong Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại: Luật quy định, trên một địa bàn có số dân tương đương với một đơn vị hành chính cấp phường nếu 01 (một) Dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong Dự án đó. Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương 2.500 căn trở lên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 250 căn. Trường hợp có từ hai dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% số lượng nhà ở của mỗi dự án.
Trên đây là nội dung quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam. Nếu Bạn mong muốn được hỗ trợ pháp lý về vấn đề nêu trên, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email:lslawfirm2014@gmail.com để được các luật sư tư vấn và hỗ trợ.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.