#ls #lslawfirm #ruatiengiaodichbatdongsan #bienphapphongngua
Hiện nay, tội phạm rửa tiền diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp, gây tác động xấu đến nền kinh tế; một trong số những cách thức mà các đối tượng phạm tội lựa chọn để thực hiện hành vi là rửa tiền qua giao dịch bất động sản.
Rửa tiền là gì?
Khoản 1 Điều 4 Luật Chống rửa tiền năm 2012 quy định: “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:
a) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;
b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.”
Rửa tiền qua giao dịch bất động sản là gì?
Pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm rửa tiền trong hoạt động kinh doanh bất động sản là gì. Nhưng từ khái niệm rửa tiền quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chống rửa tiền năm 2012, có thể hiểu rửa tiền qua giao dịch bất động sản là hành vi dùng nguồn vốn được hình thành từ những hành vi phạm tội như: Mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu, tham nhũng… để đầu tư, thực hiện các giao dịch bất động sản nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền.
Một số dấu hiệu để nhận biết hành vi rửa tiền qua giao dịch bất động sản
Thông tư số 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản sửa đổi bổ sung Nghị định 72/2005 đã nêu các dấu hiệu nhận biết giao dịch đáng ngờ của hành vi rửa tiền qua giao dịch bất động sản, cụ thể tại Điều 9, bao gồm: “1. Những dấu hiệu giao dịch đáng ngờ: …a) Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính;
b) Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng;
c) Giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp;
d) Hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo (ví dụ: con dấu giả, chữ ký giả, giấy chứng minh nhân dân giả, hộ chiếu giả, địa chỉ bất động sản không đúng thực tế...);
e) Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý;
f) Địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác (ví dụ như: ghi địa chỉ tại quận B, tỉnh A nhưng trên thực tế tỉnh A không có quận B...) và có thay đổi địa chỉ so với những lần giao dịch trước. Thông tin về cùng một khách hàng được khai báo khác nhau trong các lần giao dịch khác nhau;
g) Khách hàng tỏ ra không quan tâm đến giá cả bất động sản, phí giao dịch phải trả;
h) Khách hàng giao dịch không có ủy quyền nhưng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản, không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân;
i) Giá cả thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá cả thị trường”.
Mặc dù pháp luật đã ban hành những dấu hiệu để nhận biết một giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra, phát hiện hành vi phạm tội rửa tiền qua các giao dịch bất động sản là vô cùng khó khăn, vì vậy cần phải có những biện pháp để phòng ngừa hành vi rửa tiền qua giao dịch bất động sản ngay từ ban đầu.
Một số biện pháp phòng ngừa rửa tiền qua giao dịch bất động sản
Theo Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng chính phủ đã hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa như:
- Ban hành và thực hiện Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền;
- Rà soát cập nhật Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (nếu đã ban hành); Gửi Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (ban hành mới hoặc bản cập nhật) của Đơn vị về cơ quan có thẩm quyền để quản lý;
- Thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền;
- Lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.
Phòng ngừa rửa tiền qua giao dịch không chỉ là trách nhiệm của chủ thể kinh doanh bất động sản hay những chủ thể liên quan đến giao dịch bất động sản… mà mọi người đều có trách nhiệm phòng ngừa. Do đó, các chủ thể tham gia cần có những hiểu biết nhất định đối với khía cạnh này để bảo vệ quyền và lợi ích của mình và góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là một số nội dung cơ bản về Rửa tiền qua giao dịch bất động sản và biện pháp phòng ngừa sản dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.