#ls #lslawfirm #quyenvanghiavu #nguoikhoikien #trongvuanhanhchinh
Người khởi kiện là người bị xâm phạm trực tiếp bởi các khiếu kiện và có đơn khởi kiện làm phát sinh vụ án hành chính. Vậy, quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện trong vụ án hành chính được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Quyền và nghĩa vụ trong hoạt động cung cấp chứng cứ
Theo khoản 5 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (“TTHC”), người khởi kiện có quyền và nghĩa vụ “Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, cung cấp chứng cứ vừa là quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ của người khởi kiện.
Trường hợp, người khởi kiện đã áp dụng hết các biện pháp cần thiết mà không thể tự mình thu thập được tài liệu chứng cứ thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ và người khởi kiện phải có đơn yêu cầu. Căn cứ theo khoản 7 Điều 55 Luật TTHC: “7. Quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập, tài liệu chứng cứ của vụ án mà mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định định giá tài sản.”
Ngoài ra, tại khoản 8 Điều 55 Luật TTHC quy định người khởi kiện còn có một số quyền như: "Quyền được biết, được ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;” và được Đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đối thoại và tham gia phiên họp trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án theo quy định tại Khoản 11 Điều 55 Luật TTHC.
Quyền quyết định và định đoạt của người khởi kiện
- Quyền khởi kiện
Theo Điều 5 Luật TTHC 2015 quy định, “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này.” Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm bởi các khiếu kiện. Do đó, quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện thể hiện qua cách họ khởi kiện hay không khởi kiện.
- Quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khởi kiện
Theo khoản 2 Điều 56 Luật TTHC 2015, Người khởi kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
“…2. Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện”. Và Điều 173 Luật TTHC 2015 quy định: “1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. 2. Trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu mà đương sự đã rút.”
Quyền và nghĩa vụ khác của người khởi kiện
- Các quyền và nghĩa vụ tham gia phiên tòa, phiên họp; phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.
Theo Khoản 15 Điều 55 Luật TTHC 2015 nêu rõ, người khởi kiện (đương sự) được “Tham gia phiên tòa, phiên họp;” cùng với đó tại Khoản 16 Điều 55 Luật TTHC 2015 “Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án”. Như vậy, tham gia phiên tòa vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người khởi kiện. Việc tham gia phiên tòa là cơ sở đề người khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và khi không tham gia họ có thể phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi.
- Quyền tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng
Tranh tụng tại phiên tòa hành chính là một nội dung có ý nghĩa đối với hoạt động tố tụng hành chính, theo khoản 20 Điều 55 Luật TTHC quy định “Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng”. Quyền tranh luận là quyền đảm bảo sự bình đẳng cho các bên tham gia tố tụng.
Người khởi kiện sẽ có các quyền, nghĩa vụ chung được viện dẫn lại tại Điều 55 Luật TTHC và quyền đặc thù của người khởi kiện là thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Như vậy, quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện trong vụ án hành chính là những quy định pháp luật mà người khởi kiện được làm hoặc phải làm khi tham gia vào quan hệ pháp luật Tố tụng hành chính, nhằm bảo đảm vụ án hành chính được giải quyết nhanh chóng, khách quan và bảo vệ được quyền, lợi ích của người khởi kiện.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện trong vụ án hành chính dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.