#ls #lslawfirm #chiphigiamdinh #totungdansu
Khi tiến hành tố tụng dân sự, một số vụ việc sẽ phát sinh hoạt động giám định. Hoạt động giám định có thể do Tòa án yêu cầu và cũng có thể do các bên đương sự yêu cầu giám định. Vậy trách nhiệm chi trả chi phí giám định thuộc về ai? Bài viết dưới đây sẽ giúp quý độc giả giải đáp được thắc mắc trên.
1. Chi phí giám định là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 định nghĩa chi phí giám định là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc giám định và do người giám định tính căn cứ vào quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình tố tụng cũng phát sinh trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí giám định. Đây là số tiền mà người giám định tạm tính để tiến hành việc giám định theo quyết định của Tòa án hoặc theo yêu cầu giám định của đương sự.
2. Cách tính chi phí giám định trong tố tụng dân sự
Theo Điều 3 Nghị định 81/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng (“Nghị định 81/2014/NĐ-CP”) quy định căn cứ theo tính chất của đối tượng và nội dung giám định cụ thể, chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
- Chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định (được xác định theo Điều 4 Nghị định 81/2014/NĐ-CP)
- Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao (được xác định theo Điều 5 Nghị định 81/2014/NĐ-CP)
- Chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác (được xác định theo Điều 6 Nghị định 81/2014/NĐ-CP)
3. Trách nhiệm chi trả chi phí giám định
Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định trong trường hợp các đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì được xác định như sau:
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định. Trường hợp các bên đương sự yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định về cùng một đối tượng thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa số tiền tạm ứng chi phí giám định.
- Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
- Đương sự, người có yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo đã yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định mà không được chấp nhận và tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định thì việc nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Nghĩa vụ chịu chi phí giám định trong trường hợp các đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì được xác định như sau:
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là không có căn cứ. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ.
- Người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự khác trong vụ án phải nộp chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người yêu cầu trưng cầu giám định là có căn cứ. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu trưng cầu giám định chỉ có căn cứ một phần thì người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định tương ứng với phần yêu cầu đã được chứng minh là có căn cứ.
- Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì nguyên đơn phải chịu chi phí giám định.
- Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí giám định.
- Trường hợp người tự mình yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 160 của Bộ luật này, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là có căn cứ thì người thua kiện phải chịu chi phí giám định. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu giám định của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ.
- Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì người yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định.
4. Xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định đã nộp
- Người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không phải chịu chi phí giám định thì người phải chịu chi phí giám định theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
- Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định phải chịu chi phí giám định, nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí giám định thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí giám định thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án.
Như vậy, tiền tạm ứng chi phí giám định là số tiền mà người giám định tạm tính cho việc tiến hành giám định. Các bên đương sự có thể thỏa thuận về nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí giám định hoặc tiền chi phí giám định, nếu các bên không có thỏa thuận, nghĩa vụ này sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Tiền tạm ứng đã nộp sẽ được hoàn trả cho trường hợp không phải chịu chi phí giám định. Trường hợp đóng thiếu hoặc dư sẽ phải đóng bổ sung thêm hoặc được trả lại tiền thừa sau khi thực hiện giám định xong.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những quy định chung về chi phí giám định trong Tố tụng dân sự dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết.
Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.