#ls #lslawfirm #quangcao #quangcaogiandoi
Hiện nay, khi mạng lưới thông tin ngày càng phát triển, việc quảng bá các sản phẩm, hàng hoá đến với mọi người trở nên dễ dàng, phổ biến hơn. Tuy nhiên, hành vi quảng cáo không đúng với tên gọi, chất lượng dịch vụ và giá trị thật của hàng hóa ngày càng nhiều. Xuất phát từ thực trạng trên, pháp luật đã có quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi quảng cáo gian dối cụ thể:
Theo Điều 197 Chương XVIII của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội quảng cáo gian dối được quy định:
"1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Để xác định một hành vi có cấu thành Tội quảng cáo gian dối hay không cần xem xét các yếu tố sau:
Thứ nhất, về khách thể:
Tội quảng cáo gian dối xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động về quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng.
Đối tượng tác động của tội phạm này là hình thức, nội dung tin tức về hàng hóa, dịch vụ mà người phạm tội đã quảng cáo.
Thứ hai, về mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi quảng cáo gian dối, tức là đưa thông tin không đúng về chất lượng, hình thức, chức năng, công dụng và tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn cho khách hàng; hoặc nói xấu hàng hóa của doanh nghiệp khác để làm nền quảng cáo cho hàng hóa của mình, quảng cáo không đúng công dụng của hàng hóa, không nêu những điều cần tránh khi sử dụng hàng hóa,…
Lưu ý: Hành vi quảng cáo được xem là gian dối khi thuộc hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
Thứ ba, về mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi quảng cáo gian dối của mình là trái với quy định của pháp luật về quảng cáo, gây ra hậu quả nguy hiểm cho người tiêu dùng và xã hội, nhận thức được hậu quả có thể hoặc tất yếu xảy ra nhưng vẫn mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Thứ tư, về chủ thể: Chủ thể của Tội quảng cáo gian dối là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, chủ thể của tội quảng cáo gian dối còn phải đáp ứng điều kiện quan trọng là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nhà nước coi hành vi quảng cáo gian dối là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Do đó, pháp luật hình sự nước ta đã quy định về Tội quảng cáo gian dối để răn đe, trừng phạt những chủ thể có hành vi vi phạm nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tránh gây ra những hậu quả khó lường làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là một số nội dung cơ bản về “Tội quảng cáo gian dối” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.