#ls #lslawfirm #quacanhhanghoataivietnam
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển trải dài dọc theo lãnh thổ, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, có biên giới đất liền tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Campuchia, Lào. Những lợi thế về địa hình trên là nền tảng giúp dịch vụ quá cảnh hàng hóa tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quá cảnh hàng hóa, Việt Nam đã ban hành những quy định: Luật Thương mại 2005, Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về việc quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam. Để có một góc nhìn khái quát hơn về hoạt động quá cảnh hàng hóa, hãy cùng LS Lawfirm tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!
Quá cảnh hàng hóa tại Việt Nam
Theo định nghĩa tại Điều 241 Luật Thương mại năm 2005 là “việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.”Có thể hiểu, quá cảnh hàng hóa là việc chuyển hàng hoá từ một quốc gia qua cửa khẩu vào lãnh thổ Việt Nam để đến một quốc gia khác
Ví dụ: Việt Nam có các cửa khẩu giáp Campuchia như Mộc Bài, Vĩnh Xương, Xa
Mát, Dinh Bà, Lệ Thanh... ngoài ra còn các cửa khẩu giáp Trung Quốc, Lào và cả biển Đông, những cửa khẩu này là cầu nối giữa Campuchia và các nước khác. Vì vậy để vận chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng, thuận lợi, các doanh nghiệp của Campuchia có thể vận chuyển hàng hoá của Campuchia đi ngang lãnh thổ Việt Nam đến nước thứ ba, hoặc từ nước thứ ba qua Việt nam để về Campuchia. Quá trình trên được gọi là quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam.
Những hàng hóa được phép quá cảnh Việt Nam
Theo Điều 242 Luật Thương mại 2005 và Điều 40 Nghị định 187/2013/NĐ-CP, mọi hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đều được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam và chỉ cần làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất hàng hóa theo quy định của pháp luật, trừ các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, hàng hóa có độ nguy hiểm cao và hàng hóa thuộc Danh mục cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. Những loại hàng hóa này muốn quá cảnh tại Việt Nam cần có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể như sau:
+ Các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và các loại hàng hóa có độ nguy hiểm cao chỉ được quá cảnh sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép; phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về vận chuyển hàng nguy hiểm và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, chỉ được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Bộ Công Thương cho phép, trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Ngoài ra, tại Điều 214 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019 quy định “Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.”
Trong toàn bộ thời gian quá cảnh, hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan Việt Nam; vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; lượng hàng xuất ra phải đúng bằng lượng hàng nhập vào và phải còn nguyên đai, nguyên kiện.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về quá cảnh hàng hóa tại Việt Nam dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các vấn đề trên, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.