#ls #lslawfirm #phi #trongtai
Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại có rất nhiều ưu điểm như thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, không trải qua nhiều cấp xét xử; các bên có quyền lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên theo ý chí của mình, không giới hạn về lãnh thổ hoặc nguyên tắc xét xử không công khai, thông tin về tranh chấp của các bên được giữ kín, phần nào giúp các bên giữ được uy tín…. Bên cạnh những ưu điểm trên thì đi kèm với nó là mức phí Trọng tài khá cao nên được các bên đặc biệt quan tâm, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định lựa chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài.
1. Phí Trọng tài là gì?
Theo khoản 1 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Phí trọng tài bao gồm các khoản sau đây:
- Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên;
- Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;
- Phí hành chính;
- Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;
- Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.
Các khoản phí được liệt kê trên là các khoản phí chủ yếu được áp dụng đối với nhiều Trung tâm Trọng tài. Đơn cử đối với Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), theo Điều 34 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC, phí trọng tài bao gồm các khoản sau đây:
“1. Chi phí để trả thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp;
2. Chi phí hành chính của VIAC liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp;
3. Chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp được quy định tại Văn bản hướng dẫn của VIAC có hiệu lực tại thời điểm lập dự tính chi phí; chi phí cho các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài;
4. Chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia.”
Tương tự, đối với Trung tâm trọng tài thương mại phía Nam (STAC) thì theo Điều 33 Quy tắc tố tụng trọng tài của STAC lại quy định phí trọng tài bao gồm các khoản sau đây:
“Phí trọng tài gồm:
1. Chi phí để trả thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp;
2. Chi phí hành chính của Trung tâm liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp;
3. Chi phí hành chính của Trung tâm liên quan đến việc giải quyết tranh chấp; Chi phí đi
lại, ở và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp được quy định tại Văn bản hướng dẫn của Trung tâm có hiệu lực tại thời điểm lập dự tính chi phí; chi phí cho các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài;
4. Chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia và chi phí cho các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài.”
2. Phí trọng tài do ai ấn định?
Tùy từng trung tâm trọng tài mà mức phí trọng tài có thể khác nhau bởi căn cứ vào khoản 2 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì phí trọng tài do Trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định.
Bên cạnh đó thì mức phí trọng tài này do bên thua kiện phải chịu, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác (khoản 3 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại 2010).
Về nguyên tắc, ngay sau khi gửi đơn khởi kiện tới tổ chức trọng tài, nguyên đơn sẽ phải nộp đầy đủ một khoản phí ứng trước cho tổ chức trọng tài. Khoản phí ứng trước này được xác định dựa vào giá trị của tranh chấp và biểu phí trọng tài riêng của mỗi tổ chức trọng tài. Trường hợp đơn khởi kiện và đơn kiện lại nêu trị giá tranh chấp thì việc xác định phí ứng trước khá đơn giản bởi chỉ cần dựa vào biểu phí trọng tài của tổ chức trọng tài. Nếu đơn khởi kiện và đơn kiện lại không nêu trị giá tranh chấp thì tổ chức trọng tài sẽ quyết định khoản phí ứng trước dựa vào tính chất, quy mô của vụ tranh chấp, thời gian dự kiến giải quyết tranh chấp, số lượng trọng tài viên trong hội đồng trọng tài. Đối với trọng tài vụ việc, khoản phí ứng trước do hội đồng trọng tài quyết định và phân bổ tỉ lệ đóng góp cho các bên. Trường hợp bị đơn không nộp phí ứng trước thì nguyên đơn sẽ phải nộp toàn bộ khoản phí này nếu muốn tố tụng trọng tài được tiếp tục.
3. Biểu phí trọng tài của VIAC
3.1. Trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại nêu trị giá vụ tranh chấp
(i) Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên:
Trị giá vụ tranh chấp |
Phí trọng tài (đã bao gồm VAT) |
100.000.000 trở xuống |
16.500.000 |
100.000.001 đến 1.000.000.000 |
16.500.000 + 7,7% số tiền vượt quá 100.000.000 |
1.000.000.001 đến 5.000.000.000 |
85.800.000 + 4.4% số tiền vượt quá 1.000.000.000 |
5.000.000.001 đến 10.000.000.000 |
261.800.000 + 2.75% số tiền vượt quá 5.000.000.000 |
10.000.000.001 đến 50.000.000.000 |
399.300.000 + 1.65% số tiền vượt quá 10.000.000.000 |
50.000.000.001 đến 100.000.000.000 |
1.059.300.000 + 1.1% số tiền vượt quá 50.000.000.000 |
100.000.000.001 đến 500.000.000.000 |
1.609.300.000 + 0.50% số tiền vượt quá 100.000.000.000 |
500.000.000.001 trở lên |
3.609.300.000 + 0.30% số tiền vượt quá 500.000.000.000 |
(ii) Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài viên duy nhất, mức phí trọng tài bằng 70% của phí trọng tài nêu tại Mục (i) đối với cùng trị giá vụ tranh chấp.
Trị giá vụ tranh chấp bằng ngoại tệ được chuyển đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá chuyển khoản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VIETCOMBANK) tại thời điểm nộp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại.
3.2. Trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại không nêu trị giá vụ tranh chấp
Đối với trường hợp này, Chủ tịch VIAC quyết định số phí trọng tài căn cứ vào tính chất của vụ tranh chấp, thời gian giải quyết vụ tranh chấp và số lượng Trọng tài viên.
Trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại vừa có yêu cầu nêu trị giá vừa có yêu cầu khác không nêu trị giá thì phí trọng tài đối với các yêu cầu nêu trị giá được tính theo Mục 3.1, phí trọng tài đối với yêu cầu không nêu trị giá được tính theo Mục 3.2 nêu trên.
4. Một số lưu ý dành cho doanh nghiệp khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Phí trọng tài nêu trên không bao gồm chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên và thư ký phiên họp giải quyết vụ tranh chấp; chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia và chi phí cho các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài.
Các quy định tại Mục nêu trên cũng áp dụng đối với việc sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện có điều chỉnh tăng về trị giá của vụ tranh chấp; việc sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại có điều chỉnh tăng về trị giá của vụ kiện lại. Trường hợp có điều chỉnh giảm về trị giá của vụ tranh chấp hoặc điều chỉnh giảm trị giá của vụ kiện lại thì phí trọng tài không điều chỉnh giảm.
Do đó, các bên tranh chấp khi khởi kiện ra Trọng tài thương mại cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phí trọng tài đảm bảo cho việc giải quyết tranh chấp trọng tài được thực hiện nhanh chóng.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Phí trọng tài thương mại dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.