#ls #lslawfirm #phatvipham #tronghopdongthuongmai
Phạt vi phạm không chỉ là một hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, nó còn là công cụ pháp lý linh hoạt, hữu hiệu để đảm bảo các bên phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, việc phạt vi phạm có thể được sử dụng ngay tức khắc khi có hành vi vi phạm hợp đồng mà không cần đợi đến khi có thiệt hại xảy ra. Là một trong những chế tài được áp dụng phổ biến nhất trong quan hệ thương mại, phạt vi phạm đã được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào, hãy cùng LS Law Firm tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!
Phạt vi phạm hợp đồng là gì?
Theo Điều 300 Luật Thương mại 2005 (“LTM”), “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”
Hiểu một cách đơn giản, phạt vi phạm là việc bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm hợp đồng một khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở hợp đồng, nhằm kịp thời điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng hợp tác thương mại.
Mức phạt vi phạm
Theo Khoản 2 Điều 418 Bộ Luật dân sự 2015 quy định, “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Nghĩa là, pháp luật cho phép các bên tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm, nhưng nếu luật liên quan có quy định mức phạt tối đa thì các bên không được thỏa thuận vượt mức giới hạn đó.
Trong kinh doanh thương mại, LTM quy định mức phạt vi phạm tối đa là 08% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Trường hợp ngoại lệ duy nhất được quy định trong LTM là mức phạt đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình, theo đó mức phạt vi phạm không được vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.
Về căn cứ phạt vi phạm
Nếu các chế tài dân sự khác phải căn cứ vào yếu tố lỗi, thiệt hại xảy ra thì phạt vi phạm hợp đồng không đề cập đến lỗi và cũng không xem xét thiệt hại thực tế. Để áp dụng chế tài phạt vi phạm, pháp luật căn cứ vào 03 yếu tố sau đây:
Đây là điều kiện tiên quyết khi áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Hợp đồng có hiệu lực pháp luật mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ tương ứng, trực tiếp giữa các chủ thể giao kết hợp đồng, khi đó các điều khoản được thỏa thuận trong hợp đồng mới có giá trị pháp lý ràng buộc giữa các bên. Điều này có nghĩa là phạt vi phạm chỉ có giá trị khi hợp đồng có hiệu lực. Ngược lại, nếu hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận phạt vi phạm cũng không có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, đối với trường hợp hợp đồng vô hiệu từng phần, ngoài phần vô hiệu không được áp dụng, các phần còn lại vẫn có giá trị thi hành. Vì vậy khi một bên vi phạm nghĩa vụ có hiệu lực mà trong hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên vi phạm phải chịu trách nhiệm phạt vi phạm.
Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ để áp dụng các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, trong đó có phạt vi phạm hợp đồng. Theo khoản 12 Điều 3 LTM 2005, “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”. Như vậy, vi phạm hợp đồng được hiểu là việc một bên trong quan hệ hợp đồng thương mại không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên đã giao kết.
Theo quy định tại LTM 2005, “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”. Khác với các chế tài khác, phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng, theo đó phạt vi phạm không còn là một vấn đề do pháp luật quy định mà là do các bên tự thỏa thuận khi xác lập hợp đồng. Nghĩa là, phạt vi phạm không phải điều khoản bắt buộc trong hợp đồng, nếu các chủ thể có thỏa thuận phạt vi phạm thì Tòa án giải quyết và nếu không thỏa thuận thì Tòa án không giải quyết.
Lưu ý: LTM không áp dụng chế tài phạt vi phạm đối với các trường hợp vi phạm do sự kiện bất khả kháng hoặc do thỏa thuận của các bên, hoặc thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về Phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.