#ls #lslawfirm #nguyentaccoban #totunghinhsu
Tố tụng Hình sự là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhằm đảm bảo pháp chế, quyền con người, giải quyết vụ án đúng đắn và khách quan, hoạt động Tố tụng Hình sự phải được vận hành theo một hệ thống nguyên tắc nhất định. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra một số nguyên tắc cơ bản trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) như sau:
Thứ nhất, nguyên tắc đảm bảo pháp chế trong Tố tụng Hình sự
Theo quy định tại Điều 7 BLTTHS 2015: “Mọi hoạt động Tố tụng Hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”.
Pháp chế xã hội chủ nghĩa là sự tôn trọng, thi hành nghiêm chỉnh pháp luật trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động tố tụng được diễn ra đúng đắn, hiệu quả, thống nhất và đồng bộ của bộ máy nhà nước; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và công bằng xã hội.
Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội
Nội dung nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 13 BLTTHS 2015: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền kết tội và quyết định hình phạt. Quy định này không cho phép có sự phân biệt đối xử đối với những người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo cũng như không được suy đoán họ là những người đã có tội nếu hành vi phạm tội của họ không được chứng minh theo trình tự, thủ tục luật định và/hoặc không có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án. Nguyên tắc suy đoán vô tội được pháp luật quy định cụ thể trong BLTTHS thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong TTHS, tránh áp đặt phiến diện, gây bất lợi cho người bị buộc tội, đảm bảo vụ án được tiến hành một cách khách quan, công bằng.
Thứ ba, nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án
Đây vừa là nội dung, vừa là mục đích mà hoạt động TTHS hướng tới nhằm đảm bảo việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội mà nghĩa vụ này thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo đó, Điều 15 BLTTHS 2015 đưa ra quy định:
“Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Thứ tư, nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa
“Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”.
Nguyên tắc này được quy định tại Điều 16 BLTTHS 2015, là căn cứ pháp lý vững chắc để người bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ sự hỗ trợ bào chữa trong trường hợp họ không thể tự bào chữa do nhiều nguyên nhân như thiếu hiểu biết pháp luật, người có khó khăn trong nhận thức…Vì vậy, việc nhờ luật sư hay một người khác bào chữa sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ năm, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo
Tranh tụng là một hoạt động có vai trò quan trọng trong TTHS. Phần tranh tụng tại phiên tòa diễn ra với mục đích làm rõ các tình tiết, quá trình phạm tội của tội phạm và là một trong những căn cứ quan trong giúp Hội đồng xét xử kết luận vụ án một cách khách quan, công bằng, nghiêm minh. Vì vậy phiên tranh tụng cần phải chuẩn bị kĩ lưỡng, các loại tài liệu, chứng cứ đầy đủ, hợp pháp và có sự tham gia đầy đủ của chủ thể có liên quan. Để đảm bảo việc tranh tụng diễn ra công bằng, minh bạch mang lại kết quả khách quan, đúng đắn của vụ án, Điều 26 BLTTHS 2015 quy định như sau:
“Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.
Vì vậy, các nguyên tắc trong Tố tụng Hình sự là định hướng quan trọng cho cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoạt động tố tụng với mục đích tìm ra sự thật khách quan, xử lý đúng người đúng tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, các chủ thể khi tham gia vào hoạt động Tố tụng Hình sự cần đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc trên để tránh bị oan sai.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung về Một số nguyên tắc cơ bản của Luật Tố tụng Hình sự. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý liên quan khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.