#ls #lslawfirm #toichuachaptaisan #toitieuthutaisan #donguoikhacphamtoimaco
Tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu là một trong những tội danh có tính nguy hiểm cao cho xã hội, gây mất ổn định nền kinh tế. Do đó, hành vi tiếp tay cho các tội danh này cần phải được lên án, ngăn chặn triệt để. Xuất phát từ lý do này, pháp luật hình sự đã quy định về chế tài áp dụng đối với hành vi tiếp tay cho các tội xâm phạm quyền sở hữu thông qua tội danh chứa chấp hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong bài viết này, LS Law Firm sẽ cung cấp cho Quý độc giả một số thông tin cơ bản về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 323 Chương XXI của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Thế nào là chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có?
Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã chứa chấp tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội (cướp, trộm cắp tài sản,…) mà có. Chứa chấp tài sản là một trong các hành vi sau đây: cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản; cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che dấu, bảo quản tài sản đó.
Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.
Ngoài ra, tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ Luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hướng dẫn như sau:
- “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
- “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.
- Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.
Điều kiện để xác định một hành vi là chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Một là, không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ chứa chấp hoặc sẽ tiêu thụ tài sản của người đó. Trường hợp có lời hứa hẹn trước khi người phạm tội kết thúc hành vi phạm tội của mình trên thực tế hay tội phạm chưa được hoàn thành thì người đưa ra lời hứa hẹn sẽ không còn phạm tội danh này mà trở thành đồng phạm trong tội danh xâm phạm quyền ở hữu với vai trò là người giúp sức.
Hai là, người nhận hoặc tiêu thụ tài sản biết rõ tài sản là do người giao tài sản phạm tội mà có được.
Ba là, căn cứ để xác định người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không cần căn cứ vào giá trị tài sản. Nếu có được tài sản nhưng tài sản không phải là do phạm tội có được mà chỉ có từ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc thiếu một trong các yếu tố cấu thành tội phạm thì chưa xác định là tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Lưu ý: Quy định pháp luật về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không giới hạn chủ thể tiêu thụ tài sản nên có thể hiểu người thực hiện hành vi tiêu thụ có thể là chủ thể nhận chuyển giao (bên mua, bên được cho, được tặng…) hoặc bên thứ ba. Do đó, hành vi tiêu thụ bao hàm cả việc người thực hiện hành vi tiêu thụ trực tiếp giao dịch với người phạm tội hoặc nhận tài sản từ người phạm tội rồi chuyển giao cho người khác theo ý chí của người phạm tội vì lợi ích của người phạm tội hoặc của cả hai. Tuy nhiên, cần lưu ý, hành vi chứa chấp hoặc chuyển giao phải là hành vi trái pháp luật.
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là một hệ quả tất yếu do nhóm tội xâm phạm sở hữu gây ra. Do đó, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là cần thiết và phù hợp với thực tế xã hội.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là một số nội dung cơ bản về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.