#ls #lslawfirm #tuchoi #thaydoi #nguoitienhanhtotung
#vuanhanhchinh
Người tiến hành tố tụng hành chính là cán bộ, công chức mà theo quy định của pháp luật có nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong việc kiểm sát và giải quyết vụ án hành chính. Trong một số trường hợp, người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị người có thẩm quyền thay đổi như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Tố tụng Hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (“TTHC”), những người tiến hành tố tụng hành chính bao gồm:
- Những người tiến hành tố tụng nhằm giải quyết vụ án hành chính gồm: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;
- Những người tiến hành tố tụng nhằm kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính gồm: Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng
Để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình tố tụng, pháp luật đã quy định những trường hợp người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng, nếu họ không tự nguyện từ chối thì sẽ bị thay đổi theo yêu cầu của những người liên quan theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật TTHC
“Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: 1. Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;”
Theo đó, người tiến hành tố tụng tham gia với hai tư cách, trong đó họ vừa là người tiến hành tố tụng, vừa là người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án hoặc là người thân thích với người tham gia tố tụng. Trong trường hợp này, người tiến hành tố tụng sẽ không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ. Vì vậy, pháp luật đưa ra quy định trên nhằm đảm bảo cho vụ án được giải quyết công bằng, khách quan.
Căn cứ khoản 2 Điều 45 Luật TTHC
“...2. Đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;”
Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong trường hợp đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch trong cùng vụ án. Vì sẽ không đảm bảo tính công bằng, khách quan khi giải quyết vụ án.
Căn cứ khoản 3 Điều 45 Luật TTHC
Người tiến hành tố tụng có thể bị thay đổi khi “...3. Đã tham gia vào việc ra quyết định hành chính hoặc có liên quan đến hành vi hành chính bị khởi kiện;”
Trong trường hợp này, người tiến hành tố tụng không phải là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định hành chính (“QĐHC”) hoặc thực hiện hành vi hành chính (“HVHC”) mà họ chỉ đóng vai trò là người tham mưu, đóng góp vào việc ra QĐHC hoặc thực hiện HVHC. Nhưng pháp luật quy định người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị người có thẩm quyền thay đổi vì họ sẽ không khách quan khi xem xét yêu cầu của các bên, có xu hướng tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình, không đảm bảo quyền, lợi cho các chủ thể trong vụ án.
Căn cứ khoản 4 Điều 45 Luật TTHC
Thay đổi người tiến hành tố tụng khi “...4. Đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện;
Trong trường hợp này người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, vì người tiến hành tố tụng là người xem xét lại những tình tiết của vụ việc mà họ đã từng tham gia giải quyết. Do đó, sẽ không khách quan khi tham gia tố tụng.
Căn cứ khoản 5, 6, 6a Điều 45 Luật TTHC
Thay đổi người tiến hành tố tụng khi “...5. Đã tham gia vào việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức hoặc đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức bị khởi kiện;
6. Đã tham gia vào việc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khởi kiện;
6a. Đã tham gia vào việc lập báo cáo kiểm toán, ra quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước bị khởi kiện;”
Trong những trường hợp này, người tiến hành tố tụng là người tham gia ban hành các quyết định và giải quyết khiếu nại về các quyết định đó. Nên họ khó có thể khách quan khi xem xét yêu cầu của các bên. Vì họ cũng đồng thời là người xem xét lại chính vấn đề mà họ đã tham gia giải quyết nên có xu hướng tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng các quyết định đó là đúng pháp luật nên không đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể khác trong vụ án.
Căn cứ khoản 7 Điều 45 Luật TTHC
Thay đổi người tiến hành tố tụng khi “...7. Đã tham gia vào việc lập danh sách cử tri bị khởi kiện;”
Người tiến hành tố tụng đã từng tham gia vào việc lập danh sách cử tri nên họ có xu hướng chủ quan, tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình. Thậm chí, họ có thể đã có những sai phạm trong quá trình lập danh sách cử tri, nếu cho phép họ tiếp tục giải quyết vụ án thì họ có xu hướng che giấu những sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền, lợi của các bên trong vụ án.
Căn cứ khoản 8 Điều 45 Luật TTHC
Thay đổi người tiến hành tố tụng khi “...8. Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”
Do đó, ngoài những trường hợp cụ thể trên thì người tiến hành tố tụng còn phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Trên đây là những căn cứ chung để từ chối, thay đổi người tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính mà pháp luật đã dự liệu. Do đó, người tiến hành tố tụng phải chủ động từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị đề nghị thay đổi khi rơi vào các trường hợp trên, để giúp cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Những lưu ý khi từ chối, thay đổi người tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.