#ls #lslawfirm #giaokethopdong #hopdongthuongmai
Để hợp đồng thương mại có giá trị pháp lý, thì hợp đồng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và tuân thủ đúng nguyên tắc giao kết hợp đồng.
Hình thức hợp đồng:
Pháp luật thương mại cho phép các bên tự do lựa chọn hình thức xác lập hợp đồng, theo đó hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Đối với một số trường hợp nhất định, pháp luật quy định bắt buộc hợp đồng phải được lập bằng văn bản hoặc phải công chứng, chứng thực như: hợp đồng đại lý, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng dịch vụ quá cảnh,…
Tuy nhiên, để đảm bảo hợp đồng thể hiện rõ ràng ý chí các bên, cũng như nội dung của từng điều khoản mà các bên muốn giao kết thì hợp đồng nên được thể hiện dưới dạng văn bản. Trong đó, các bên phải ghi đầy đủ những nội dung cơ bản của hợp đồng và các bên cùng ký tên xác nhận vào văn bản. Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lý chắc chắn hơn so với hình thức hợp đồng bằng miệng.
Chủ thể giao kết hợp đồng:
Chủ thể của hợp đồng trong lĩnh vực thương mại chủ yếu được thiết lập giữa các thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp và cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, có đăng ký kinh doanh. Khi giao kết hợp đồng, chủ thể phải đáp ứng các điều kiện nhất định để hợp đồng được xác lập và thực hiện.
+ Đối với chủ thể tham gia giao kết là cá nhân: Cá nhân giao kết hợp đồng thương mại có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Theo đó, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, tự mình xác lập hợp đồng một cách tự nguyện, không bị lừa dối, đe dọa hay bị ép buộc.
+ Đối với chủ thể tham gia giao kết là pháp nhân: Đối với pháp nhân, việc giao kết hợp đồng phải được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Khi tiến hành giao kết, các bên cần xem xét rõ tư cách của người giao kết hợp đồng. Đó là người đại điện theo pháp luật hay người đại diện theo ủy quyền? Nếu là người đại diện theo ủy quyền thì bắt buộc phải có giấy ủy quyền và cũng cần xem xét kỹ nội dung trong giấy ủy quyền như: phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, giấy ủy quyền có được đóng dấu hợp lệ không… nhằm tránh trường hợp giao kết hợp đồng không đúng chủ thể hoặc vượt quá phạm vi đại diện ủy quyền.
Các yếu tố về mặt chủ thể cần được đảm bảo để hợp đồng không bị vô hiệu kể từ thời điểm giao kết theo quy định tại Điều 125, Điều 127, Điều 128 Bộ luật dân sự 2015.
Nội dung hợp đồng:
Nội dung của hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các bên tham gia hợp đồng đã thỏa thuận nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Trên cơ sở vai trò của các điều khoản trong hợp đồng, có thể phân chia nội dung của hợp đồng thành các nhóm:
(i) Nhóm Điều khoản chủ yếu (điều khoản cơ bản) là những điều khoản quan trọng nhất của một hợp đồng;
(ii) Nhóm Điều khoản thông thường là những điều khoản đã được pháp luật quy định, nếu các bên không thỏa thuận thì coi như đã mặc nhiên công nhận và phải thực hiện theo quy định của pháp luật;
(iii) Nhóm Điều khoản tùy nghi là những điều khoản do các bên tự lựa chọn và thỏa thuận với nhau khi pháp luật không có quy định.
Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 không quy định trong hợp đồng thương mại các bên bắt buộc phải thỏa thuận những nội dung cụ thể nào, tuy nhiên để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng và tránh phát sinh tranh chấp thì các bên cần lưu ý những nội dung sau:
– Đối tượng của hợp đồng;
– Số lượng, chất lượng;
– Giá, phương thức thanh toán;
– Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
– Quyền, nghĩa vụ của các bên;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
– Phương thức giải quyết tranh chấp.
Lưu ý: Nội dung của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không được giả tạo để tránh bị vô hiệu.
Ngôn từ, ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng
Một trong những yêu cầu đặt ra cho hợp đồng là từng câu chữ, ngôn từ sử dụng trong hợp đồng phải đảm bảo sự chính xác, cụ thể, rõ ràng, đầy đủ ý nghĩa, chỉ nên sử dụng những từ ngữ thông dụng, phổ biến trong hợp đồng, tránh dùng các từ địa phương, tiếng lóng hoặc những từ có thể hiểu theo đa nghĩa.
Ngôn ngữ trong hợp đồng phải được thể hiện bằng tiếng Việt, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ như hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thoả thuận. Trong trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt, hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị như nhau.
Thời điểm giao kết và thực hiện hợp đồng
Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định khác nhau phụ thuộc vào cách thức giao kết và hình thức của hợp đồng. Về nguyên tắc chung, hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo cam kết. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng có thể phát sinh những tình huống bất lợi mà các bên không thể lường trước được, dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ như đã giao kết. Để giải quyết các tình huống này, các bên có thể thỏa thuận với nhau để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hợp đồng. Tuy nhiên, các thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nên được ghi nhận bằng văn bản và phải được các bên đồng ý.
Như vậy, để đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng và tránh những rủi ro pháp lý về sau, các bên cần đảm bảo nội dung và hình thức của hợp đồng đúng với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các bên nên thỏa thuận cụ thể các điều khoản về hiệu lực hợp đồng, điều khoản phạt vi phạm, điều khoản giải quyết tranh chấp để các bên dễ dàng thực hiện được.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về “Những lưu ý khi giao kết hợp đồng thương mại” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.