#ls #lslawfirm #nhiemvuquyenhan
#coquantienhanhtotung #totunghanhchinh
Cơ quan tiến hành tố tụng hành chính là cơ quan nhà nước, có nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong việc giải quyết vụ án hành chính và kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 36 Luật TTHC 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (“TTHC”) quy định, “Cơ quan tiến hành tố tụng hành chính gồm có: a) Tòa án; b) Viện kiểm sát.”
Tòa án
Nhiệm vụ và quyền hạn chung của Tòa án được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Nhiệm vụ của Tòa án trong tố tụng hành chính được quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật TTHC quy định, “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Tòa án là cơ quan xét xử vụ án hành chính, giải quyết các vụ án một cách kịp thời, công minh và đúng pháp luật. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Giáo dục mọi người chấp hành pháp luật, bảo đảm tính ổn định thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án khi giải quyết một vụ án hành chính:
Viện kiểm sát
Nhiệm vụ và quyền hạn chung của Viện kiểm sát được quy định trong Hiến pháp 2013 và luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.
Nhiệm vụ cụ thể của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính được quy định theo khoản 2 Điều 22 Luật TTHC “Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.”
Nhiệm vụ, quyền hạn chính của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính là kiểm sát việc tuân theo pháp luật, căn cứ theo Điều 25 Luật TTHC quy định:
“1. Viện kiểm sát, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.
2. Viện kiểm sát, kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
3. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, nếu họ không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó.”
Viện kiểm sát, kiểm sát tính hợp pháp của các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết vụ án hành chính. Theo đó, chủ thể chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát bao gồm: người tiến hành tố tụng; người tham gia tố tụng; ngoài ra Tòa án còn là cơ quan tiến hành tố tụng chịu sự kiểm sát trực tiếp. Viện kiểm sát, kiểm sát từ khi hồ sơ được thụ lý cho đến khi kết thúc vụ án hành chính và trực tiếp tham gia vào các phiên tòa, phiên họp của Tòa án. Đảm bảo cho quá trình tố tụng của Tòa án diễn ra đúng quy định pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, Viện kiểm sát là rất lớn trong tố tụng hành chính, là cơ quan trực tiếp giải quyết vụ án và kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính được thụ lý. Để đảm bảo cho vụ án được giải quyết chính xác, công bằng và đúng theo trình tự pháp luật quy định. Giúp nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án cũng như tạo sự tin tưởng của người dân vào nền hành chính quốc gia trong sạch, vững mạnh.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng hành chính và một số vấn đề cần lưu ý dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.