#ls #lslawfirm #trongtai #nguyentac
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Vậy khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, về phía các bên tranh chấp và phía trọng tài cần tuân theo nguyên tắc nào để giải quyết tranh chấp một cách hợp pháp và đảm bảo tốt nhất quyền lợi các bên tham gia?
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
(1) Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài các tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Trong thỏa thuận này, các bên được lựa chọn hình thức trọng tài, trung tâm trọng tài hay trọng tài viên để giải quyết tranh chấp cho mình, và Hội đồng trọng tài phải tôn trọng thỏa thuận này khi được các bên lựa chọn. Có thể xem thỏa thuận trọng tài là căn cứ pháp lý để dựa vào đó, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ trọng tài. Một thỏa thuận trọng tài cần thỏa mãn điều kiện không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
(2) Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
Theo hướng dẫn của Hiệp hội luật sư quốc tế IBA giải thích về những tiêu chuẩn chung của tính độc lập, vô tư, khách quan như sau: “Tại thời điểm chấp nhận sự chỉ định trở thành trọng tài viên, mỗi trọng tài viên vô tư và độc lập với các bên và phải giữ được điều này trong suốt quá trình tố tụng trọng tài cho đến khi phán quyết cuối cùng được ban hành hoặc đến khi quá trình tố tụng trọng tài kết thúc trong trường hợp khác”.
Đây là nguyên tắc chung của tố tụng. Chỉ khi có quy định pháp luật, trọng tài viên mới giải quyết được các tranh chấp một cách vô tư, khách quan, đảm bảo tính công bằng và hợp pháp, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tranh chấp. Bên thua kiện có thể yêu cầu hủy quyết định trọng tài nếu bên đó chứng minh được trọng tài viên vi phạm quy tắc độc lập, vô tư, khách quan trọng việc giải quyết tranh chấp, ....
(3) Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Các bên tranh chấp phải được bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi như nhau để trình bày quan điểm của mình. Dụa vào đó các bên được bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu như gia hạn thời gian chuẩn bị bản luận cứ, đề nghị triệu tập nhân chứng… hay bác bỏ những yêu cầu tố tụng vô lý của bên kia để bảo đảm bình đẳng, công bằng trong tố tụng.
Nguyên tắc các bên tranh chấp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ cũng không phải là nguyên tắc riêng của trọng tài mà là nguyên tắc chung của tố tụng. Nếu không đảm bảo quyền bình đẳng giữa các bên trong tố tụng, quyền lợi của các bên tranh chấp sẽ không được bảo đảm.
(4) Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài được tiến hành không công khai, chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ tranh chấp mới được quyền tham dự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đây là điểm khác biệt so với giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án,điều này vừa đảm bảo được bí mật, vừa giữ được uy tín của các bên tranh chấp.
(5) Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Khác với tố tụng Tòa án phải trải qua các hình thức xét xử gồm sơ thẩm, phúc thẩm thì chung thẩm là nguyên tắc đặc trưng của tố tụng trọng tài. Khi trọng tài đã ra phán quyết thì sẽ có hiệu lực thi hành ngay mà không có kháng cáo, kháng nghị. Điều này đảm bảo việc giải quyết tranh chấp nhanh chóng, dứt điểm, tránh tình trạng kéo dài vì phải qua nhiều cấp xét xử.
Như vậy, Các nguyên tắc trên khiến cho việc giải quyết tranh chấp thương mại nhanh gọn, tiết kiệm thời gian công sức của các bên mà vẫn đảm bảo được lợi ích của các bên không kém gì giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày đến Quý khách nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.