#ls #lslawfirm #nguoithamgiatotung #vuanhinhsu
Các vụ án hình sự luôn được đánh giá là rất phức tạp, thường có sự tham gia của nhiều chủ thể và có tính chất nguy hiểm trong đời sống xã hội. Bên cạnh những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã được trình bày ở bài viết trước, Bộ luật tố tụng hình sự (“BLTTHS”) 2015 còn có các quy định về những người tham gia tố tụng. Bài viết dưới đây LS Law Firm xin nêu một số nội dung về người tham gia tố tụng và trách nhiệm của Cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền của người tham gia tố tụng hình sự như sau:
Người tham gia tố tụng hình sự
Người tham gia tố tụng là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS. Đây là những người liên quan tới hành vi phạm tội, có quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án hoặc sự tham gia của họ là cần thiết để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
BLTTHS 2015 thừa nhận cơ quan, tổ chức cũng là người tham gia tố tụng, đây là điểm mới so với các BLTTHS trước đây. Việc bổ sung trên xuất phát từ thực tiễn xét xử vì cơ quan, tổ chức là pháp nhân cũng có những hành vi phạm tội về các vấn đề như môi trường, thuế, chứng khoán, bảo hiểm… cần được pháp luật điều chỉnh để đảm bảo trật tự xã hội.
Quy định của BLTTHS về người tham gia tố tụng
BLTTHS 2015 dành riêng chương IV để quy định về người tham gia tố tụng. Trong đó, Điều 55 BLTTHS 2015 đã quy định 20 tư cách người tham gia tố tụng khác nhau. Từ Điều 56 đến Điều 70 BLTTHS 2015 và giải thích rõ về khái niệm, quyền và nghĩa vụ của từng người tham gia tố tụng trên.
Việc quy định tổng quát về những người tham gia tố tụng đến các quy định chi tiết về từng chủ thể đã tạo ra căn cứ cho việc áp dụng trong thực tiễn, bảo vệ tốt hơn quyền của người tham gia tố tụng và nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Phân loại người tham gia tố tụng hình sự
Trong khoa học pháp lý, chưa có cách phân loại người tham gia tố tụng nào chính xác mà mỗi cách phân loại đều có nhược điểm riêng. Hiện tại, người tham gia tố tụng hình sự được chia thành 3 nhóm sau:
- Nhóm 1: Người tham gia tố tụng hình sự vì có quyền và nghĩa vụ trong vụ án. Bao gồm: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.
- Nhóm 2: Người tham gia tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khác. Bao gồm: Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;
- Nhóm 3: Người tham gia tố tụng hình sự theo nghĩa vụ pháp lý. Bao gồm: Người làm chứng; người chứng kiến, người giám định; người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật. Riêng với người tố giác, người báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì có thể là người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích trong vụ án hoặc là người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ pháp lý.
Trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng
Căn cứ vào Điều 71 BLTTHS 2015:
“Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước”.
Như vậy, cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm giúp người tham gia tố tụng hình sự thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Người tham gia tố tụng có vai trò rất quan trọng trong vụ án hình sự. Việc xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ còn được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay hủy án.
Do đó, người tham gia tố tụng hình sự cần nắm rõ các quy định của pháp luật và cẩn trọng trong việc xác định người tham gia tố tụng, đặc biệt là một số khái niệm hay bị nhầm lẫn như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Người tham gia tố tụng Hình sự dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý liên quan khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.