#ls #lslawfirm #nghiavu
#benyeucauboithuongthiethai #tronghoatdongthuongmai
Trong hoạt động thương mại, khi một chủ thể vi phạm nghĩa vụ mà gây tổn hại cho chủ thể khác thì chủ thể đó phải chịu sự bất lợi do hành vi vi phạm của mình gây ra. Theo đó, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường toàn bộ tổn thất thực tế và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Ngoài ra, nhằm tránh trường hợp bên yêu cầu bồi thường lợi dụng việc vi phạm của bên còn lại để trục lợi cho riêng mình, pháp luật thương mại đã quy định chặt chẽ các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ của bên yêu cầu bồi thường. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, mời bạn đọc xem qua bài viết dưới đây!
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005 (”LTM”), trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng: Là một loại trách nhiệm pháp lý nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thương mại chỉ xuất hiện khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng và chỉ áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm hợp đồng có thể là hành vi từ chối thực hiện nghĩa vụ, chậm thực hiện nghĩa vụ, thực hiện một phần nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Thứ hai, có thiệt hại thực tế: Thiệt hại được xem là yếu tố bắt buộc và là tiền đề để quyết định có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không. Thiệt hại trong hợp đồng thương mại thường được hiểu là thiệt hại về vật chất.
Thứ ba, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại: Hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra phải có mối quan hệ nhân quả, trong đó hành vi vi phạm phải là nguyên nhân gây ra hậu quả là có tổn thất trên thực tế.
Như vậy trừ trường hợp đặc biệt, chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại sẽ phát sinh dù không tồn tại thỏa thuận giữa các bên khi hội tụ đủ các yếu tố: “có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra”. Việc quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhằm hạn chế việc bên yêu cầu bồi thường lợi dụng hành vi vi phạm của một bên để thu lợi riêng, ngoài ra LTM cũng quy định nghĩa vụ của bên yêu cầu bồi thường như:
Chứng minh tổn thất
Theo Điều 304 LTM, nghĩa vụ chứng minh tổn thất được quy định như sau:
“Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.”
Như vậy bên yêu cầu bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ phải chứng minh một cách hợp lý, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không bị vi phạm hợp đồng. Đồng thời phải chứng minh cả mức độ thiệt hại để làm cơ sở yêu cầu bồi thường, nếu không chứng minh được thì coi như không có thiệt hại. Tuy nhiên trên thực tế, việc xác định và chứng minh khoản lợi mất hưởng thường mang tính chất tương đối và việc xác định chính xác cũng rất khó khăn, đặc biệt là với những thiệt hại vô hình, trừu tượng.
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất
Theo Điều 305 LTM, nghĩa vụ hạn chế tổn thất được quy định như sau:
“Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.”
Việc người bị thiệt hại không áp dụng những biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn ngừa, hạn chế tổn thất có thể hiểu là người bị thiệt hại đã để cho thiệt hại trở nên trầm trọng hơn, không làm gì để giảm bớt hoặc hạn chế tổn thất phát sinh. Quy định này nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho bên bị vi phạm, đồng thời tránh trường hợp bên bị vi phạm lợi dụng việc vi phạm hợp đồng làm cho thiệt hại lớn hơn so với mức độ hành vi vi phạm. Nếu bên yêu cầu bồi thường không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thì bên yêu cầu bồi thường cũng phải gánh chịu một phần thiệt hại xảy ra. Như vậy, mặc dù trong quan hệ bồi thường thiệt hại bên bị vi phạm được xem là bên có quyền, trong đó bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường các tổn thất thực tế phát sinh và cả khoản lợi ích đáng lẽ mình được hưởng nếu không có hành vi vi phạm, tuy nhiên trên thực tế việc bồi thường thiệt hại đòi hỏi rất nhiều chứng cứ chứng minh từ bên bị vi phạm, theo đó bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh tổn thất và hạn chế tổn thất xảy ra, quy định này nhằm loại bỏ các trường hợp bên bị vi phạm lợi dụng việc vi phạm để đòi bồi thường vô căn cứ hoặc đòi khoản bồi thường vượt quá giá trị thiệt hại thực tế.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về Nghĩa vụ của bên yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.