#ls #lslawfirm #M&A #Acquisition #motsohinhthucM&Ahiennay
Các khái niệm liên quan đến M&A
M&A là cụm từ viết tắt của “Merger and Acquisition” trong tiếng Anh - hay còn gọi là “mua bán, sáp nhập doanh nghiệp” khi được dịch nghĩa sang tiếng Việt. M&A được thực hiện thông qua hình thức sáp nhập doanh nghiệp, mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần của công ty mục tiêu để giành quyền kiểm soát.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam thì hoạt động M&A cũng đang diễn ra rất sôi nổi. Các doanh nghiệp nước ngoài thường là bên tham gia đóng vai trò chủ yếu thực hiện các hoạt động M&A tại Việt Nam và chúng ta có thể biết đến một số thương vụ M&A nổi trội trong năm 2021 vừa qua như: Tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC) mua 49% vốn FE Credit, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan mua lại toàn phần Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB),…Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng dần tham gia sôi nổi vào nhiều hoạt động M&A, điển hình như: Công ty CP Vinhomes công bố mua khu đô thị Đại An quy mô 300 ha tại tỉnh Hưng Yên hay Công ty Cổ phần giao nhận và vận chuyển Indo Trần đã mua vào 54 triệu cổ phiếu STG của Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam (Sotrans),...
Dưới đây là những thông tin liên quan đến Merger và Acquisition giúp chúng ta dễ dàng nhận biết về sự khác nhau giữa hai hình thức này:
|
Merger |
Acquisition |
Định nghĩa |
Merger - hay còn gọi là sáp nhập là hoạt động mà hai công ty muốn tiến tới thành lập nên một công ty hoàn toàn mới mà không duy trì sự sở hữu cũng như hoạt động của công ty thành phần. |
Acquisition - hay còn gọi là mua lại/thâu tóm là hình thức một doanh nghiệp tìm cách nắm giữ quyền kiểm soát một doanh nghiệp khác bằng cách thâu tóm toàn bộ hoặc một phần trong tổng số cổ phần hay tài sản của doanh nghiệp bị thâu tóm. |
Chủ thể tham gia giao dịch |
Chủ thể tham gia giao dịch sáp nhập là các doanh nghiệp. |
Trong hoạt động thâu tóm, chủ thể tham gia có thể là doanh nghiệp hoặc cá nhân. |
Chứng khoán |
Khi tiến hành sáp nhập thì chứng khoán của hai công ty cũ sẽ bị xóa bỏ và phát hành chứng khoán mới. |
Các bên sẽ không tiến hành phát hành thêm chứng khoán mới mà sẽ duy trì chứng khoán cũ của công ty bị thâu tóm. |
Tài sản và trách nhiệm pháp lý |
Tài sản và trách nhiệm pháp lý của công ty mới được thành lập sẽ do công ty đó chịu trách nhiệm. |
Đối với tài sản và trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp bị thâu tóm thì sẽ do bên thâu tóm quyết định. |
Về phân loại Merger và Acquisiton:
Đối với Merger - Sáp nhập, dựa trên cấu trúc doanh nghiệp thì có thể phân chia sáp nhập thành các loại như: Sáp nhập ngang; Sáp nhập dọc; Sáp nhập mở rộng thị trường; Sáp nhập mở rộng sản phẩm; Sáp nhập theo kiểu tập đoàn.
Trong đó, Sáp nhập ngang là hình thức sáp nhập giữa các doanh nghiệp có cùng loại sản phẩm, cùng thị trường và cạnh tranh trực tiếp với nhau. Sáp nhập dọc là hình thức sáp nhập giữa các doanh nghiệp tham gia vào các giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất và tiếp cận thị trường. Sáp nhập mở rộng thị trường là hình thức sáp nhập giữa hai doanh nghiệp cùng sản xuất hoặc kinh doanh một loại sản phẩm nhưng ở hai thị trường khác nhau. Sáp nhập mở rộng sản phẩm là hình thức sáp nhập giữa hai doanh nghiệp không cùng sản xuất hoặc kinh doanh một loại sản phẩm nhưng có sự liên quan với nhau trong cùng một thị trường.
Đối với Acquisition - Mua lại/thâu tóm, dựa trên ý chí của các bên chủ thể tham gia giao dịch, có thể phân chia thành thâu tóm thân thiện và thâu tóm không thân thiện.
Thâu tóm thân thiện là hình thức thâu tóm mà được sự đồng ý của công ty mục tiêu đồng ý, sẵn sàng để cho doanh nghiệp khác mua lại. Thâu tóm không thân thiện là hình thức ngược lại với thâu tóm thân thiện, công ty mục tiêu không đồng ý để cho doanh nghiệp khác mua lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực hiện thâu tóm cố tình tiếp cận các cổ đông của công ty mục tiêu để thâu tóm cổ phần hoặc đấu tranh để nắm quyền quản lý đối với công ty mục tiêu.
Những khái niệm này đều được hiểu theo các nghiên cứu khoa học tiếng Anh, tuy nhiên, trong quy định pháp luật Việt Nam thì có sự khác biệt. Chúng tôi sẽ làm rõ sự khác biệt này ở bài viết tiếp theo.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS Law Firm
Trên đây là những nội dung cơ bản về Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Nếu Qúy khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các vấn đề liên quan, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.