#ls #lslawfirm #luattotungdansu #doituong #phuongphapdieuchinh
Bộ luật tố tụng dân sự là một văn bản luật do Quốc hội ban hành quy định về trình tự, thủ tục, nội dung để tiến hành các hoạt động khởi kiện, điều tra, xét xử, thi hành án và các quan hệ pháp luật khác nảy sinh trong quá trình giải quyết vụ, việc dân sự. Đây là ngành luật cụ thể của hệ thống pháp luật Việt Nam, luật tố tụng dân sự khác với các ngành luật khác không chỉ ở đối tượng điều chỉnh mà còn ở cả phương pháp điều chỉnh của nó. Như vậy, để hiểu sâu về nội dung trên, hãy đọc bài viết dưới đây!
Luật Tố tụng dân sự là gì?
Luật tố tụng dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự để đảm bảo việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự một cách nhanh chóng, đúng đắn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước.
Đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng dân sự Việt Nam là mối quan hệ giữa toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch, người giám định, người định giá tài sản và những người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự.
Các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tổ tụng dân sự Việt Nam bao gồm:
Các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này rất đa dạng nên giữa các chủ thể có địa vị pháp lý khác nhau. Trong đó, toà án, cơ quan thi hành án dân sự là các chủ thể đóng vai trò chủ chốt, mang tính quyết định đổi với quá trình giải quyết vụ việc dân sự và tổ chức thi hành án dân sự.
Do Luật Tố tụng dân sự cơ bản có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ giữa cơ quan nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ về mặt pháp luật với những người tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự nên Luật Tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ này bằng hai phương pháp: Phương pháp mệnh lệnh và phương pháp định đoạt.
Phương pháp mệnh lệnh: Điều này được thể hiện ở chỗ quy định về địa vị pháp lý của Tòa án; Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án và các chủ thể khác trong tố tụng là không giống nhau; các chủ thể khác đều phải phục tùng Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án. Các quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với các chủ thể khác nếu không sẽ bị cưỡng chế thực hiện. Việc pháp luật quy định như vậy là xuất phát từ việc Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, tổ chức thi hành án dân sự giải quyết vụ việc dân sự và kiểm sát các hoạt động về tố tụng. Vì thế, các cơ quan này không thể nào có chức năng và quyền hạn bình đẳng với các chủ thể khác.
Phương pháp định đoạt: Các đương sự có quyền quyết định việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi lợi ích bị xâm phạm thông qua việc tự quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự, các đương sự vẫn có thể cùng nhau thương lượng, thỏa thuận về những vấn đề tranh chấp, việc rút đơn yêu cầu hay đơn khởi kiện hoặc cũng có thể là yêu cầu không thi hành án nữa.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những thông tin cơ bản cần biết về đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Qúy khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý liên quan khác, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia, Luật sư của LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép.