#ls #lslawfirm #quytac #totungtrongtai
Thông thường, khi đã lựa chọn tổ chức trọng tài nào thì sẽ áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài của tổ chức trọng tài đó. Tuy nhiên trên thực tế, cũng có những trường hợp mà các bên tranh chấp lựa chọn tổ chức trọng tài này nhưng lại muốn áp dụng một quy tắc tố tụng trọng tài khác.
Khi các bên tranh chấp có thỏa thuận lựa chọn một tổ chức trọng tài nhưng lại áp dụng một quy tắc tố tụng trọng tài khác vẫn được coi là có giá trị pháp lý để tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên nhưng có thể bị coi là không thể thực hiện được nếu tổ chức trọng tài mà các bên lựa chọn không đồng ý áp dụng quy tắc trọng tài khác với quy tắc của họ.
Tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP về Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được như sau:
“4. Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế”.
Bên cạnh đó, mỗi tổ chức trọng tài đều có những quy tắc riêng biệt và không thể áp dụng chung. Cụ thể, tại Điều 1 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) thể hiện rõ:
“Điều 1. Phạm vi áp dụng:
1. Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“Quy tắc”) được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam”.
Quy tắc trọng tài của ICC năm 2017 cũng quy định rõ tại khoản 2 Điều 1 rằng, Tòa Trọng tài Quốc tế của ICC “là cơ quan có thẩm quyền duy nhất để điều hành trọng tài theo Quy tắc này …”.
Theo các quy định nêu trên, để không rơi vào trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì khi đàm phán ký kết hợp đồng nên kiểm tra trực tiếp với tổ chức trọng tài mà họ đã lựa chọn xem tổ chức đó có thể tiến hành tố tụng trọng tài theo quy tắc trọng tài khác hay không trước khi đi đến quyết định ghi vào trong thỏa thuận trọng tài. Việc lựa chọn một tổ chức trọng tài nhưng lại áp dụng một quy tắc trọng tài khác cũng có thể làm phát sinh những hậu quả pháp lý phức tạp tại giai đoạn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài ở nước ngoài sau này.
Như vậy, bên cạnh việc lựa chọn áp dụng một quy tắc trọng tài nào thì các bên cũng cần so sánh xem quy tắc tố tụng trọng tài đó có phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thể hiện ở Quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) hay không. Mức độ can thiệp của tổ chức trọng tài vào việc xét xử và ra phán quyết của Hội đồng trọng tài hay tính độc lập của trọng tài viên như thế nào. Quyền tự do lựa chọn của các bên tranh chấp có được tôn trọng hay không để từ đó xác định việc lựa chọn một quy tắc trọng tài phù hợp nhất trong quá trình đàm phán, thương lượng và ký kết hợp đồng cũng như thỏa thuận trọng tài.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày về việc lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.