#ls #lslawfirm #thongtinsaisuthat #trachnhiemhinhsu
Sự phát truyển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông trong thời đại công nghệ số giúp khả năng tiếp cận thông tin của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này đó chính là thông tin tràn lan, có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là sai sự thật được lan truyền khắp nơi trên các nền tảng mạng xã hội. Vậy những người phát tin sai sự thật có chịu trách nhiệm pháp lý hay không? Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này? Hãy cùng LS Law Firm tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết dưới đây!
Căn cứ theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm
(1) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
(2) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp người vu khống thuộc 1 trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
“a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% tại điểm đ khoản 2 Điều 146, điểm e khoản 2 Điều 147, điểm e khoản 2 Điều 149, điểm g khoản 2 Điều 155, điểm g khoản 2 Điều 156 và điểm d khoản 2 Điều 368;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vu khống vì động cơ đê hèn, làm nạn nhân tự sát hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên tại điểm a khoản 3 Điều 146, điểm a khoản 3 Điều 147, điểm c khoản 3 Điều 149, điểm a khoản 3 Điều 155, điểm b khoản 3 Điều 156, điểm c khoản 3 Điều 368 và điểm g khoản 2 Điều 397 thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Người thực hiện hành vi vu khống thuộc các trường hợp nêu trên còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Ví dụ: anh A và anh B có mâu thuẫn với nhau nên anh A đã bịa đặt thông tin sai sự thật về anh B, sử dụng mạng xã hội facebook để loan truyền thông tin này cùng với hình ảnh của anh B để nhằm hạ thấp danh dự nhân phẩm của anh B. Như vậy, anh A đã phạm tội vu khống thuộc trường hợp được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 156 BLHS 2015, anh A sẽ phải chịu hình phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra, tùy vào tình tiết cụ thể của vụ việc mà anh A còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy thông qua bài viết nêu trên,LS Law Firm đã khái quát về trách nhiệm pháp lý mà một chủ thể phải chịu khi có hành vi bịa đặt thông tin sai sự thật về người khác, hành vi này có thể sẽ chịu trách nhiệm hình sự về tội vu khống. Do đó, người dân cần phải hiểu biết về các quy định của pháp luật và tỉnh táo trước những thông tin được loan truyền trên các phương tiện truyền thông để tránh rơi vào vòng lao lý.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về vấn đề loan truyền thông tin sai sự thật có chịu trách nhiệm hình sự dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết.
Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.