#ls #lslawfirm #kieudangcongnghiep #sohuutritue
Kiểu dáng công nghiệp được biết đến là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và kiểu dáng công nghiệp là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ. Như vậy, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được quy định trong pháp luật Việt Nam như thế nào? Hãy cùng LS Law Firm tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!
Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp thế nào?
Theo Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (“SHTT”), quy định kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi thỏa mãn 3 điều kiện: có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Tất cả kiểu dáng công nghiệp không đương nhiên được bảo hộ mà có những trường hợp ngoại lệ không được bảo hộ dưới dạng đối tượng là kiểu dáng công nghiệp.
Đối tượng nào không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Vì sao phải đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm, việc bảo hộ giúp chủ sở hữu hữu kiểu dáng công nghiệp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp trước những hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép và đem lại lợi nhuận kinh tế độc quyền cho chủ sở hữu. Một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hợp pháp thì chủ sở hữu cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Sở hữu trí tuệ). Chủ sở hữu tiến hành nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng công nghiệp.
Chủ thể nào có quyền đối với kiểu dáng công nghiệp?
Theo Điều 121 Luật SHTT quy định, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả kiểu dáng công nghiệp.
Lợi ích khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là gì?
Các lý do chính mà các doanh nghiệp nên bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
- Lợi tức đầu tư: bảo vệ phần lợi tức thu được từ các khoản đầu tư được thực hiện trong việc tạo ra và tiếp thị các sản phẩm hấp dẫn và sáng tạo;
- Độc quyền: bảo hộ cung cấp độc quyền trong ít nhất 05 năm để ngăn chặn khai thác thương mại hoặc sao chép kiểu dáng công nghiệp;
- Tăng cường thương hiệu: bảo hộ kiểu dáng công nghiệp góp phần bảo vệ thương hiệu của công ty;
- Cơ hội cấp phép hoặc bán: bảo hộ cung cấp quyền có thể được cấp phép hoặc bán nhằm tăng thu nhập cho chủ sở hữu quyền;
- Hình ảnh tích cực: có thể lan truyền được hình ảnh của công ty tích cực, mở rộng thị trường kinh doanh;
- Khuyến khích sự sáng tạo.
Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là bao lâu?
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong vòng năm (05) năm kể từ ngày nộp đơn và được gia hạn hai (02) lần. Theo đó, kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ độc quyền trong vòng mười lăm năm (15) năm nếu được gia hạn liên tiếp khi hết thời hạn. Hết thời hạn đó, chủ sở hữu không còn sở hữu độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp trên và người khác có thể tự ý sử dụng mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu.
Qua những thông tin trên về kiểu dáng công nghiệp có thể thấy, việc đăng ký bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp nói chung và kiểu dáng công nghiệp nói riêng hết sức quan trọng và cần được thực hiện nhanh chóng. Khi đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ và được pháp luật bảo vệ một cách hợp pháp tránh khỏi những hành vi xâm phạm quyền.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những thông tin cơ bản về Kiểu dáng công nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Qúy khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia, Luật sư của LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ..
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.