#ls #lslawfirm #khongthethuchienhopdong #covid19 #trachnhiem
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, khiến các bên không thể thực hiện hợp đồng theo đúng thỏa thuận. Trong thời gian đầu xuất hiện dịch bệnh COVID-19 được viện dẫn như sự kiện bất khả kháng (“SKBKK”), một trong những căn cứ miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng khi có một bên vi phạm. Tuy nhiên, sau gần 02 năm sống chung với dịch bệnh, một số ý kiến khác cho rằng việc xem COVID-19 là SKBKK không còn hợp lý nữa. Vậy trong thời điểm hiện tại, COVID-19 có còn là SKBKK không và ai là người chịu trách nhiệm khi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng do COVID-19. LS Law firm xin nêu một số nội dung sau:
Sự kiện bất khả kháng
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) quy định, SKBKK “là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
Như vậy SKBKK phải đáp ứng đủ 03 yếu tố: (i) Khách quan; (ii) Không thể lường trước được; và (iii) Không thể giải quyết, khắc phục được. Hiện nay BLDS 2015 không quy định tiêu chí xác định cho từng yếu tố nên việc đánh giá một sự kiện có phải SKBKK hay không phụ thuộc vào việc lập luận, chứng minh thực tế của các bên, thỏa thuận trong hợp đồng và quan điểm của cơ quan xét xử khi xảy ra tranh chấp trong từng trường hợp cụ thể.
COVID-19 hiện nay có còn được xem là sự kiện bất khả kháng?
Tương tự BLDS 2015, Luật Thương mại 2005 (“LTM”) không quy định cụ thể tiêu chí xác định SKBKK, vì vậy cần căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên và hoàn cảnh thực tế khi xảy ra sự kiện. Về bản chất, hợp đồng là sự thống nhất ý chí của các bên nên cần ưu tiên tôn trọng điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu hợp đồng xác định COVID-19 không phải SKBKK thì khi dịch bệnh bùng phát, các bên vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình như đã giao kết.
Nếu các bên không có thỏa thuận về SKBKK, ta có thể xem xét từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể tùy thuộc vào các hành động và biện pháp khắc phục mà một bên đã thực hiện.
Ví dụ: Đầu năm 2022, Trung Quốc tăng cường kiểm soát phòng dịch COVID-19 trên cả nước, bao gồm các trung tâm sản xuất chính như Thẩm Quyến và Đông Hoản, làm tê liệt nhiều nhà máy sản xuất hàng hóa. Đến cuối tháng 03/2022, Trung Quốc vẫn dừng thông quan trên một số cửa khẩu, thậm chí có nhiều địa phương bị phong tỏa dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam bị trì hoãn nghiêm trọng.
Vậy trong trường hợp này, bên vận chuyển hàng hóa có phải chịu trách nhiệm khi trong hợp đồng không có quy định về việc chậm giao hàng vì lý do dịch bệnh?
- Thời điểm giao kết hợp đồng là trước năm 2022. Trước đó Trung Quốc thông báo sẽ nghỉ Tết Nguyên đán, dừng thông quan từ 31/1 đến ngày 6/2, tuy nhiên nhằm nâng cao công tác kiểm soát dịch, Chi cục Hải quan Chi Ma thông báo sẽ nghỉ Tết từ ngày 21/1, sớm hơn tới 10 ngày so với thông báo của lực lượng chức năng Quảng Tây, Trung Quốc. Điều này khiến hàng ngàn container bị kẹt ngay tại cửa khẩu, không thể vận chuyển hàng hóa theo đúng thời hạn.
Trường hợp này COVID-19 có thể được xem là SKBKK vì “không thể khắc phục được”.
- Thời điểm giao kết hợp đồng là trong năm 2022, khi Trung Quốc đã có thông báo tạm thời dừng thông quan do dịch bệnh, các bên biết và buộc phải biết các rủi ro khi vận chuyển hàng hóa trong thời gian này. Do vậy, khi không thể giao hàng bằng đường bộ thông qua cửa khẩu, bên vận chuyển phải tìm các phương thức vận chuyển khác như vận chuyển bằng đường thủy, đường hàng không,...
Trường hợp này COVID-19 không được xem là SKBKK vì “có thể khắc phục được”.
Như vậy, tùy từng trường hợp mà COVID-19 có được xem là SKBKK hay không. Khi tiến hành giao kết hợp đồng, các bên nên xác lập điều khoản thỏa thuận về SKBKK, quy định rõ những trường hợp thiên tai, dịch bệnh tương tự như dịch COVID-19 và cách xử lý, khắc phục, từ đó hạn chế phát sinh tranh chấp.
Hệ quả khi không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng
Theo khoản 2 Điều 351 BLDS 2015, "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác".
Bên cạnh đó, khoản 1 và 4 Điều 296 LTM 2005 còn mở rộng thêm biện pháp khắc phục hậu quả, "Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả’ và ‘Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ".
Như vậy, hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra SKBKK là bên vi phạm nghĩa vụ do SKBKK không phải chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, các bên vẫn có thể thỏa thuận bên có nghĩa vụ phải bồi thường và thỏa thuận này phải được nêu rõ trong hợp đồng.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng do dịch bệnh COVID-19 dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.