#ls #lslawfirm #khoikienlai #vuan #bidinhchi
Trong trường, Anh A khởi kiện chị B đòi lại khoản nợ 03 tỷ đồng, Chị B có nhiều tài sản và có khả năng thi hành án. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, Chị B gặp tai nạn chết mà không có người thừa kế. Vậy Tòa án có đình chỉ giải quyết vụ án hoặc đại diện nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS 2015”) về Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng: “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”. Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS 2015”) người thừa kế theo pháp luật bao gồm:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 về Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự: “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế”.
Căn cứ khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 quy định về Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định pháp luật”. Theo đó, đương sự chỉ được quyền khởi kiện lại vụ án dân sự nếu vụ án bị đình chỉ do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt hoặc thuộc các trường hợp được quyền khởi kiện lại theo quy định tại Khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015.
Như vậy, áp dụng các quy định trên, trong trường hợp chị B chết mà không có người thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 tham gia tố tụng thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015. Khi đó, anh A không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về “khởi kiện lại vụ án bị đình chỉ”, nếu Qúy khách có nhu cầu tư vấn hoặc đang quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.