#ls #lslawfirm #nhuongquyen #nhuongquyenthuongmai
Nhượng quyền thương mại (franchise) hay nhượng quyền kinh doanh là một thuật ngữ không còn xa lạ đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại. Mặc dù đã xuất hiện tại Việt Nam gần 30 năm, nhưng đến nay hoạt động nhượng quyền thương mại mới thật sự phát triển mạnh mẽ. Vậy nhượng quyền thương mại tại Việt Nam diễn ra như thế nào, LS Law Firm xin nêu một số nội dung cơ bản như sau!
Nhượng quyền thương mại là gì?
Dưới góc độ pháp lý, nhượng quyền thương mại được định nghĩa tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 như sau:
“Điều 284. Nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Như vậy theo pháp luật Việt Nam, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại được xây dựng bởi ít nhất hai bên, gồm bên nhượng quyền thương mại (gọi là bên nhượng quyền) và bên nhận quyền thương mại (gọi là bên nhận quyền). Trong đó, bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng các quyền thương mại của mình (nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo) để bên nhận quyền tiến hành kinh doanh với tư cách pháp lý độc lập. Đổi lại bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền cho bên nhượng quyền. Ngoài ra, trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền có thể yêu cầu quyền kiểm soát và quản lý để duy trì hệ thống, hỗ trợ đào tạo kĩ thuật và nhân lực cho bên nhận quyền.
Hoạt động nhượng quyền thương mại không chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại còn chịu sự chi phối và điều chỉnh của nhiều văn bản luật chuyên ngành khác như Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh.
Các hình thức nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
Nhượng quyền thương mại có thể được chia thành hai hình thức:
+ Nhượng quyền sơ cấp (nhượng quyền trực tiếp): Thương nhân nhận quyền từ Bên nhượng quyền ban đầu. Trong trường hợp này, thương nhân được gọi là Bên nhận quyền sơ cấp.
+ Nhượng quyền thứ cấp (nhượng quyền gián tiếp): Thương nhân nhượng lại quyền thương mại mà mình đã nhận từ Bên nhượng quyền ban đầu cho một bên nhận quyền khác. Trong trường hợp này, thương nhân cấp lại quyền thương mại được gọi là Bên nhượng quyền thứ cấp; thương nhân nhận lại quyền thương mại từ Bên nhượng quyền thứ cấp được gọi là Bên nhận quyền thứ cấp.
Ngoài ra trong lĩnh vực kinh tế, căn cứ theo các quy tắc cụ thể như tiêu chí kinh doanh, mục tiêu phát triển hoạt động,... có thể chia nhượng quyền thương mại thành nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là phân loại dựa trên khu vực lãnh thổ, bao gồm: Nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, nhượng quyền trong nước.
Cho đến nay, nhiều thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam, có thể kể đến như: Starbucks, McDonald’s, KFC, Lotteria, The Body Shop,... Song song đó, hoạt động nhượng quyền của các thương hiệu Việt Nam cũng được nhượng quyền ra nước ngoài hoặc nhượng quyền trong nước và phát triển không kém như: Trung Nguyên, Phở 24, Cộng Cà Phê, Kinh Đô Bakery, Thế giới di động, Nguyễn Kim,...
So với các nước cùng khu vực, hoạt động nhượng quyền thương mại xuất hiện và phát triển tại Việt Nam tương đối muộn, nhưng vẫn không thể phủ nhận hoạt động đặc thù này đang ngày càng sôi nổi và Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng để các thương nhân tìm kiếm lợi nhuận thông qua con đường nhượng quyền thương mại.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Nhượng quyền thương mại. Nếu Qúy khách có nhu cầu tư vấn hoặc đang quan tâm đến các vấn đề liên quan, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.