#ls #lslawfirm #hopdonglaodongvohieu
Hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) là chứng cứ chứng minh mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong một số trường hợp, HĐLĐ bị vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ do hành vi vi phạm quy định về nội dung hợp đồng, thẩm quyền ký kết, công việc thực hiện.
Căn cứ quy định tại Điều 49 BLLĐ năm 2019, có hai loại HĐLĐ vô hiệu đó là, HĐLĐ vô hiệu toàn bộ và HĐLĐ bị vô hiệu từng phần, cụ thể:
“1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.”
HĐLĐ vô hiệu toàn bộ khi toàn bộ nội dung hợp đồng vi phạm pháp luật hoặc người giao kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền (VD: HĐLĐ được ký kết bởi người không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền; người lao động đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi giao kết HĐLĐ mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;…) hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng (VD: người sử dụng lao động giữ các bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động; yêu cầu người lao động làm việc để trả nợ cho người sử dụng lao động…) hoặc công việc giao kết trong HĐLĐ là công việc mà pháp luật cấm thực hiện (VD: buôn bán hàng giả, hàng nhái; vận chuyển trái phép vật liệu nổ, vũ khí quân dụng…).
Trường hợp, một phần nội dung HĐLĐ vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của HĐLĐ thì HĐLĐ chỉ bị vô hiệu đối với phần nội dung vi phạm pháp luật (VD: thỏa thuận về việc làm thêm ngoài giờ quá 200 giờ/năm…) mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần nội dung còn lại.
Thẩm quyền tuyên bố Hợp đồng lao động vô hiệu
Khi HĐLĐ có nội dung vi phạm quy định pháp luật theo Điều 50 BLLĐ năm 2019 và Điều 401 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (“BLTTDS”) thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuyên bố HĐLĐ vô hiệu.
Về Xử lý HĐLĐ vô hiệu
“Điều 51. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:
a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;
b) Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
2. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.”
Khi Tòa án tuyên bố HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ do ký sai thẩm quyền, người sử dụng lao động và người lao động tiến hành ký kết lại HĐLĐ. Khi HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ trong những trường hợp khác thì hậu quả pháp lý về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu được BLDS năm 2015 điều chỉnh (VD: không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm ký kết HĐLĐ; các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…). Trường hợp HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động tiến hành sửa đổi, bổ sung HĐLĐ để phù hợp với quy định pháp luật.
Như vậy, khi giao kết HĐLĐ, người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý về các nội dung sau: nội dung HĐLĐ không được vi phạm điều cấm của pháp luật; đảm bảo về thẩm quyền giao kết HĐLĐ của người sử dụng lao động, người lao động và công việc mà người lao động thực hiện theo HĐLĐ không thuộc các trường hợp pháp luật cấm thực hiện.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về Hợp đồng lao động vô hiệu dựa trên những quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Qúy khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý liên quan khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.