#ls #lslawfirm #hopdongbaohiem #noidungcuahopdongbaohiem
Bảo hiểm là một “kênh đầu tư” của rất nhiều người vì nhiều mục đích khác nhau như dự phòng rủi ro, để tích lũy, đầu tư cho tương lai, và đặc biệt là để an tâm. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tranh chấp khi mua bảo hiểm thì người mua bảo hiểm cần đọc kỹ nội dung của hợp đồng trước khi đặt bút ký.
1. Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Theo quy định tại khoản 16 điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (“Luật Kinh doanh bảo hiểm”) thì:
“Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.”
Như vậy, chủ thể trong hợp đồng bảo hiểm gồm bên mua bảo hiểm và bên cung cấp bảo hiểm dưới các hình thức như doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Quyền và nghĩa vụ của các bên là bên mua có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm và bên bán có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
2. Đặc điểm hợp đồng bảo hiểm
Tương tự như tất cả các loại hợp đồng, bản chất của hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa các bên. Về nội dung, hợp đồng bảo hiểm là bằng chứng xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm hay còn gọi là hợp đồng song vụ, các bên tham gia vào hợp đồng bảo hiểm đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Do tính chất phức tạp cũng như pháp luật chưa thể dự đoán chính xác toàn bộ những trường hợp sẽ phát sinh, cho nên hình thức của hợp đồng bảo hiểm luôn luôn bằng văn bản, thể hiện dưới một trong hai hình thức chủ yếu là đơn bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cấp với nội dung theo quy định của pháp luật.
Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm bao gồm bên mua bảo hiểm và bên bán bảo hiểm, bên bán bảo hiểm luôn luôn là pháp nhân. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên bán bao gồm chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không có tư cách pháp nhân. Trong trường hợp này có thể hiểu chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được ủy quyền để tham gia vào một bên (bên bán) hợp đồng bảo hiểm.
Các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm hướng đến các mục đích:
- Đối với doanh nghiệp bảo hiểm: tham gia nhằm mục đích kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm:
“Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan để Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe.”
- Đối với bên mua bảo hiểm: nhằm chia sẻ rủi ro, không vì mục đích lợi nhuận.
3. Nội dung của hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm, nội dung của hợp đồng bảo hiểm thương mại phải có đầy đủ các điều khoản sau:
“1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
b) Đối tượng bảo hiểm;
c) Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
d) Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
đ) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
e) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
h) Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
i) Phương thức giải quyết tranh chấp.”
Ngoài ra, pháp luật còn quy định những điều khoản thông thường thì những điều khoản này các bên có thể thỏa thuận nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng nếu các bên không đưa vào hợp đồng. Những điều khoản này bao gồm: gia hạn hợp đồng, chuyển nhượng hợp đồng … tùy theo thỏa thuận của các bên trong mỗi hợp đồng.
Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép kinh doanh bảo hiểm và quy định các trường hợp cụ thể có liên quan. Theo đó, để tham gia bảo hiểm bắt buộc phải lập hợp đồng bằng văn bản. Điều này tránh những vi phạm đã thỏa thuận giữa các bên, đồng thời cũng là bằng chứng khi giải quyết những tranh chấp liên quan đến việc bảo hiểm.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Hợp đồng bảo hiểm dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết.
Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.