#ls #lslawfirm #hoagiaitranhchapdatdai
Khi xảy ra tranh chấp đất đai thì các chủ thể có thể giải quyết bằng con đường khởi kiện, tuy nhiên với mục đích giải quyết tranh chấp vấn đề nhanh nhất và thiện chí, Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở. Hãy cùng LS LAW FIRM tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này qua bài viết dưới đây!
Hòa giải có phải là thủ tục bắt buộc?
Trường hợp một, theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, thủ tục hòa giải được xem là thủ tục bắt buộc đối với các tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất. Nếu tranh chấp chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân (“UBND”) xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện. Có thể hiểu nếu muốn thực hiện việc khởi kiện ra cơ quan có thẩm quyền thì tranh chấp này trước tiên phải trải qua hòa giải tại cơ sở.
Trường hợp hai, theo Nghị quyết này thì đối với các tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án. Như vậy, các chủ thể khi xảy ra tranh chấp thuộc một trong những loại nêu trên sẽ có thể khởi kiện mà không cần bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải tại cơ sở.
Nơi thực hiện việc hòa giải
Căn cứ theo Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
Thời hạn thực hiện thủ tục hòa giải
Căn cứ theo khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013 và Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày. Thời gian này được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Như vậy, tùy vào từng loại tranh chấp đất đai cụ thể mà xác định thủ tục hòa giải có mang tính bắt buộc hay không. Việc hòa giải này có thể tự các bên tranh chấp thực hiện, nếu không thì có thể giải quyết thông qua các cơ quan có thẩm quyền, nhằm giúp cho quan hệ giữa các bên tranh chấp không những mang tính thiện chí mà quá trình giải quyết cũng được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về hòa giải tranh chấp đất đai dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết.
Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.