#ls #lslawfirm #hosothutuc #khainhandisanthuake
Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục quan trọng cần phải thực hiện để tiến hành ghi nhận quyền sở hữu đối với di sản thừa kế của người mất để lại. Hồ sơ, thủ tục thực hiện như thế nào, xin mời Qúy độc giả cùng theo dõi bài viết sau đây.
Thứ nhất, về hồ sơ để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014 quy định về hồ sơ công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản thừa kế như sau:
“Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc”.
Dựa theo quy định của pháp luật nêu trên và thực tế thì hồ sơ khi thực hiện khai nhận di sản gồm có:
- Di chúc của người mất để lại di sản;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng/Quyền sở hữu tài sản nếu là tài sản có đăng ký quyền sở hữu;
- Hợp đồng mua bán/Các tài liệu liên quan đến nguồn gốc hình thành nên di sản thừa kế;
- Giấy đăng ký kết hôn nếu di sản là tài sản chung của vợ chồng;
- Giấy chứng nhận quan hệ gia đình để xác định mối quan hệ nhân thân;
- Giấy chứng tử/Trích lục khai tử của người mất, cha mẹ người mất;
- Giấy khai sinh/Trích lục khai sinh của người mất để lại di sản;
- Giấy khai sinh/CCCD của người đi khai nhận di sản.
Thứ hai, thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Bước 1:
Người yêu cầu chứng thực nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực (hồ sơ nêu trên). Nộp trực tiếp tới Ủy ban nhân cấp xã hoặc Văn phòng công chứng.
Bước 2:
Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực.
Nếu đầy đủ, tại thời điểm chứng thực các bên tham gia văn bản khai nhận di sản tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.
Bước 3:
Các bên tham gia khai nhận di sản phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực.
Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến giao dịch.
Bước 4:
Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng theo mẫu quy định. Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Sau khi thực hiện các bước nêu trên, người nhận di sản thừa kế sẽ hoàn thành thủ tục khai nhận di sản và tiếp đến sẽ thực hiện thủ tục sang tên (được trình bày ở bài viết sau).
Như vậy, thủ tục khai nhận di sản thừa kế là bước quan trọng đầu tiên để chứng minh quyền sở hữu tài sản của người nhận di sản, tránh xảy ra các tranh chấp sau này.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về hồ sơ, thủ tục khai nhận di sản thừa kế dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.