#ls #lawfirm #hinhthucdoituonguudai #dautu
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển và cạnh tranh gay gắt, việc thu hút đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao năng lực sản xuất. Do đó, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp. Vậy, hình thức và đối tượng nào sẽ được áp dụng ưu đãi đầu tư?
1. Hình thức ưu đãi đầu tư
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Luật đầu tư 2020, các hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm:
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
- Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Các hình thức ưu đãi đầu tư trên được pháp luật quy định chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp thông qua các cơ chế ưu đãi về thuế, miễn giảm các khoản phí sử dụng đất,… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực và khu vực mà Nhà nước đang muốn thúc đẩy phát triển bền vững và dài hạn.
2. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Luật đầu tư 2020, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này;
b) Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này;
c) Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
d) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
đ) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
e) Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
g) Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Đối tượng không được hưởng ưu đãi đầu tư
Căn cứ theo khoản 5 Điều 15 Luật đầu tư 2020, các Ưu đãi đầu tư quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này không áp dụng đối với các dự án đầu tư sau đây:
- Dự án đầu tư khai thác khoáng sản;
- Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ dự án sản xuất ô tô, tàu bay, du thuyền;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Theo đó, những dự án khai thác tài nguyên, sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ dự án sản xuất ô tô, tàu bay, du thuyền) và các dự án nhà ở thương mại sẽ không thuộc đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư. Các quy định này nhằm hạn chế ưu đãi cho các ngành có thể gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, hoặc không đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của xã hội.
Như vậy, có thể thấy mục tiêu của chính sách ưu đãi đầu tư là khuyến khích các dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và khu vực có tác động tích cực đến nền kinh tế, xã hội và môi trường để từ đó nhà đầu tư được hưởng các hình thức ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật. Các ưu đãi này chủ yếu áp dụng cho những dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, dự án phục vụ cho cộng đồng, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.